Trường học – Nơi hy vọng cư ngụ

Tác giả: Gabrielle Oliveira

Nguồn: NYTimesĐăng ngày: 01/9/2022

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Phan Trà Khúc

Trường học không chỉ là nơi trú ngụ của những hy vọng đơn lẻ mà còn bao chứa một hy vọng lớn hơn, rằng chúng ta có thể tạo ra một xã hội hòa nhập và công bằng, nơi mọi người thuộc mọi tầng lớp có thể phát triển.

Một ngày lạnh giá vào tháng Một năm 2019, cô bé Heidi sáu tuổi chuẩn bị cho ngày tựu trường tại Mỹ. Cha cô, ông Jorge, đã dậy thật sớm giúp cô sửa soạn và chuẩn bị phần ăn trưa cho con gái. Jorge và Heidi đã di cư từ Guatemala đến Mỹ từ năm 2018 (tôi chỉ có thể gọi họ bằng tên riêng do tình cảnh nhập cư dễ tổn thương và bấp bênh của họ). Khi đến biên giới Mexico – Mỹ, hai cha con đã từng phải chia lìa. Trong vòng hơn hai tháng, Jorge đã ở Texas trong khi con gái anh cách xa 1.700 dặm tại thành phố New York.

Như bao bậc phụ huynh nhập cư khác, mong muốn cháy bỏng nhất của Jorge là mang đến cho Heidi một cuộc sống tốt hơn. Và cũng chẳng khác những bậc phụ huynh đó, ông tin rằng những ngôi trường tại Mỹ có thể hứa hẹn cho Heidi một cơ hội đổi đời. Đối với Jorge, sau bao khổ cực từ cuộc di cư đến phương Bắc và tổn thương từ cảnh gia đình ly tán, trường học là nơi dung chứa hy vọng.

Buổi sáng hôm đó, trước khi Heidi tới trường, Jorge đã chụp lại ảnh con gái trong bộ váy, chiếc quần nỉ và chiếc áo phao bạc. Họ đứng đợi ở trạm xe buýt, nom lo lắng nhưng đầy phấn khích. Heidi chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha và chỉ nói được rất ít tiếng Anh. Cô bé được ghi danh tại một chương trình song ngữ, nơi có một trong những giáo viên đứng lớp nói tiếng Tây Ban Nha. Jorge hy vọng. Và Heidi cũng hy vọng.

Minh hoạ bởi Chloe Scheffe; ảnh chụp từ Internet Archive; the New York Public Library, thông qua Unsplash; và Mikus and NASA, thông qua Wikimedia Commons

Trên 18 triệu trẻ em tại Mỹ – với tỷ lệ một trên bốn – được sinh ra trên một đất nước khác hoặc có ít nhất ba hoặc mẹ đã từng như vậy. Trong 12 năm qua, tôi đã tập trung vào việc tìm hiểu hành trình của các gia đình nhập cư Mỹ Latinh ở Mỹ. Những phụ huynh nhập cư cho rằng giáo dục và nhà trường là hai trong số những lợi thế quan trọng nhất khi nhập cư vào Mỹ. Rời khỏi quê nhà và bước vào một hành trình đầy gian khổ, mạo hiểm và tốn kém đến phương Bắc, họ mang trong mình động lực rằng trường học Mỹ hứa hẹn một nền giáo dục tốt cho con cái. Họ di cư đồng nghĩa với việc họ quan tâm đến điều này. 

Dù vậy, lời hứa hẹn đó đã trở nên lung lay vào tháng Ba năm 2020, khi các trường học phải đóng cửa và các phương thức học từ xa được áp dụng để hạn chế sự lây lan của coronavirus. Những phương thức này gây nên nhiều thiệt thòi cho trẻ em nhập cư. Cha mẹ của các em vốn không quen với hệ thống trường học, nay còn đối diện với những rào cản ngôn ngữ, điều này hẳn đã đặt ra rất nhiều thách thức cho việc học tập từ xa.

Mặt khác, đại dịch đã làm đóng băng nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp tại trường vốn được các học sinh nhập cư đặt lòng tin cậy, như là hướng dẫn tiếng Anh, trị liệu giọng nói, hỗ trợ đọc hiểu, công tác xã hội, cũng như các hoạt động tham vấn khác. Từ năm 2020 đến 2021, rất nhiều phụ huynh nhập cư đã phải vật lộn trong địa vị nhập cư bấp bênh của mình, đồng thời trong khủng hoảng về sức khỏe và y tế, cùng lúc với việc tiếp tục kiếm miếng cơm manh áo trong các dịch vụ thiết yếu.

Cùng với dịp mở cửa trường học trở lại, những người làm giáo dục giờ đây cần phải chú ý đến việc chào đón học sinh và phụ huynh nhập cư quay lại lớp học, cung cấp những trợ giúp về ngôn ngữ, và quan trọng hơn cả, tìm hiểu về câu chuyện của những gia đình này.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những yếu tố mang tính quyết định đối với một đứa trẻ nhập cư đến những lớp học trên các quốc gia nói tiếng Anh nhưng không mang trong mình một nền tảng kỹ năng tiếng Anh nào cả, là tư duy của giáo viên, mức độ tiếp cận với những người lớn có thể nói được ngôn ngữ của trẻ, và môi trường nói chung. Một số nhà giáo dục đã tiếp nhận vấn đề nhập cư một cách tiêu cực do những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ: họ tập trung vào những khía cạnh mà trẻ nhập cư không biết và không có, mà không phải những gì các em biết và các em có thể đóng góp cho lớp học. Góc nhìn thiếu sót/ tiêu cực đó có thể làm giảm kỳ vọng của những nhà giáo dục vào học sinh nhập cư, và ở chiều ngược lại, các em cũng sẽ gặp khó khăn hơn để gặt hái những thành công học thuật. Những lớp học có giáo viên tôn vinh ngôn ngữ và văn hóa của học sinh nhập cư theo những cách đầy ý nghĩa là nơi để các em phát triển an toàn.

Ngôn ngữ là cầu nối giữa gia đình và nhà trường. Các tài liệu giao tiếp từ nhà trường như thư gửi về gia đình, email từ giáo viên, điện thoại từ cán bộ y tế, bảng hiệu trên tường được thể hiện bằng ngôn ngữ khác, bên cạnh tiếng Anh, đều có thể giúp những gia đình nhập cư đến gần hơn với trường học và những người làm giáo dục. Niềm tin tưởng giữa gia đình và trường học nở rộ trong những chương trình giảng dạy song ngữ hoặc đa ngôn ngữ, trong việc giáo viên được đào tạo về ngôn ngữ học, trong việc các tham vấn viên, cán bộ y tế và nhân sự tâm lý học đường giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ của các em.

Nhưng có lẽ, con đường tốt nhất để mang đến một môi trường cho trẻ em lớn lên, học tập và phát triển chính là nỗ lực hiểu về những khía cạnh dễ tổn thương của những gia đình nhập cư tại Mỹ. Nói cách khác, đó là sự quan tâm. Và nhiều giáo viên tại các trường đã làm như vậy. Từ việc tạo nhóm WhatsApp với các gia đình đến tổ chức họp phụ huynh qua FaceTime, giáo viên đã có cơ hội gặp gỡ phụ huynh và học sinh từ chính không gian của họ. Một số phụ huynh nhập cư sống dựa vào đồng lương ít ỏi và những công việc không ổn định, vậy nên họ ít có thời gian để trực tiếp đến trường. Mặt khác, sống trong địa vị nhập cư ít nhiều dễ tổn thương, nhiều gia đình cũng không đặt trọn niềm tin vào hệ thống quan liêu trong trường học. Họ lo sợ rằng việc chia sẻ về câu chuyện của gia đình, hay việc trực tiếp có mặt tại trường, cũng như ký vào một biểu mẫu nào đó trong trường, có thể cản trở khả năng xin tị nạn hoặc đe dọa tình trạng không giấy tờ tùy thân của họ.

Ở những trường học có tỷ lệ học sinh nhập cư cao, những nhà giáo dục đang tìm hiểu về pháp luật nhập cư và cách những quy định đó ảnh hưởng đến những gia đình mà họ đang kết nối. Những hiểu biết này sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ chân thành giữa gia đình và nhà trường.

Khi học sinh nhập cư được hỗ trợ, toàn xã hội cũng được hưởng lợi. Khi được triển khai cẩn thận, các chương trình giảng dạy đa văn hóa và đa ngôn ngữ thu hút học sinh tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng, ưu ái trải nghiệm nhân văn và học tập chân chính. Trường học không chỉ là nơi trú ngụ của những hy vọng đơn lẻ mà còn bao chứa một hy vọng lớn hơn, rằng chúng ta có thể tạo ra một xã hội hòa nhập và công bằng, nơi mọi người thuộc mọi tầng lớp có thể phát triển.

Vào tháng 1 năm 2019, Heidi đã có một ngày tựu trường tuyệt vời. Cô bé nhớ về lớp học đầy màu sắc, với một cô giáo nói chuyện với cô bé bằng tiếng Tây Ban Nha, và cả cảm giác hào hứng trong cô bé khi có sách vở để mang về nhà. Jorge đã cần vài tháng để đặt lòng tin vào giáo viên của Heidi, để có thể kể cho cô nghe về hành trình di cư của họ. Ở trường, Heidi đã viết vài câu chuyện, vẽ vài bức tranh về đất nước Guatemala, về đường biên giới và cuộc sống tại Mỹ của cô bé.

Leave a comment