Lịch sử bị tẩy trắng, giáo dục tại nhà trở thành lựa chọn phổ biến của phụ huynh da đen (Phần 1)

Nguồn: Time – Đăng ngày 28/02/2022

Tác giả: Katie Reilly

Biên dịch: Roãn Hồng Anh Thư – Biên tập: Thủy Tiên

TAGs: phân biệt chủng tộc, homeschooling, lựa chọn trường học

Đối với Shari Rohan, vấn đề nằm ở những bài học môn xã hội miêu tả nô lệ là những người được “đào tạo tại chỗ” (on-the-job training). Với Zanetta Lamar, vấn đề là việc con trai của cô là học sinh da đen duy nhất trong lớp. Với Andrea Thomas, vấn đề là cô nhận ra mình đã có quá ít cơ hội để được học về lịch sử của người da đen khi học cả ở trường công lẫn trường tư. 

Cả ba người Thomas, Rohan và Lamar, cho biết: “Tôi không muốn các con mình có trải nghiệm như vậy. Tôi muốn con tôi hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử cũng như những sai sót đã diễn ra trong lịch sử của chúng ta.” Chính vì thế, họ chọn dạy con tại nhà hay còn gọi là homeschooling – từng là lãnh địa của các gia đình da trắng bảo thủ. 

Brian và Andrea Thomas dạy hai đứa con út của họ theo phương pháp giáo dục tại nhà (homeschooling) tại nhà của họ ở Richardson, Texas vào ngày 23 tháng 2 năm 2022. Nguồn: Ilana Panich-Linsman for TIME

Homeschooling tăng đáng kể trên toàn nước Mỹ, đặc biệt là khi đại dịch làm gián đoạn việc học tại trường của con trẻ. Theo báo cáo của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, trong các gia đình có trẻ em đang ở độ tuổi đến trường thì tỉ lệ gia đình chọn homeschooling tăng gần như gấp đôi, từ 5,4% vào tháng 4 năm 2020 lên thành 11,1% vào cuối tháng 10 năm 2020. Trong đó, điểm đáng chú ý là mức tăng đáng lưu ý  đến từ các gia đình da đen, tăng từ 3,3% vào mùa xuân năm 2020 lên 16,1% vào mùa thu năm 2020. Khi nhu cầu homeschooling tăng lên, các chương trình giảng dạy và các nhóm hỗ trợ cũng tăng theo. 

Với chất xúc tác là COVID-19, nhiều phụ huynh da màu, với lo ngại về nạn phân biệt chủng tộc trong trường học và sự thất vọng về việc ngày càng có nhiều các bài học lịch sử được tẩy trắng, đã quyết định cho con cái mình chuyển sang học tại nhà, như một cách để kiểm soát việc giáo dục của con cái và cho chúng thấy một phiên bản “chân thực nhất” của lịch sử Mỹ, kể cả khi những nỗ lực này vẫn đang bị các học khu trên khắp nước Mỹ đả kích.

Bà Cheryl Fields-Smith, Phó Giáo sư tại Trường giáo dục Mary Frances Early thuộc Đại học Georgia, cho biết: “Homeschooling đã trở thành điểm tựa cho rất nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình da màu, khi họ không cần phải đến trường, nơi có nguồn lực hạn chế dành cho họ.” Bà là người có nhiều nghiên cứu về homeschooling trong các gia đình da đen. “Họ có một lựa chọn để có thể chủ động tạo cho mình một môi trường học tập tích cực và dung dưỡng.”

Những thách thức mà trẻ em da đen phải đối mặt tại các trường công của Mỹ đã được ghi chép và tập hợp lại khá đầy đủ. Học sinh da đen có tỉ lệ bị kỷ luật cao hơn học sinh da trắng. Các học khu phục vụ chủ yếu học sinh da đen và La-tinh nhận được tài trợ ít hơn rất nhiều so với các học khu có phần đông là các học sinh da trắng. Không những thế, các học sinh da đen ít hoặc hầu như không có khả năng được giảng dạy bởi các giáo viên da màu vì chỉ có 7% số giáo viên trường công lập là người da đen. Hơn hết, nhiều học khu hiện đang phải đối mặt với lời kêu gọi xóa sách của các tác giả da đen ra khỏi thư viện trường học, cũng như việc hạn chế giáo viên thảo luận về chủ đề liên quan đến sắc tộc trong lớp học.

Bà Fields-Smith nói: “Nếu bạn cho con mình đến trường và nơi đó có những tư tưởng trên, bạn phải tìm cách để giải cứu con mình. Khi sự thất vọng bị đẩy đến giới hạn, bạn biết rằng bạn có thể làm tốt hơn những điều đang diễn ra tại trường học rất nhiều.”

Thomas, một phụ huynh có con trong độ tuổi từ 4 đến 12, nhớ lại vài năm trước, khi cô đến trường tư thục cấp một của con gái mình để tham gia mtộ hoạt động trong Lễ Tạ ơn, cô đã thấy bức tranh màu hồng về mối quan hệ giữa những Người hành hương và người Mỹ bản địa (Pilgrims and Native Americans). Cô thầm nghĩ, “Tôi đã làm hại con mình và cho nó đi sai hướng rồi. Điều đó rõ ràng sai mà.”

Kể từ khi cô bắt đầu dạy các con của mình tại chính ngôi nhà của họ ở Richardson, Texas vào năm 2020, Thomas đã sử dụng giáo trình lịch sử Mỹ từ Woke Homeschooling, một nền tảng được tạo ra bởi Delina Pryce McPhaull, người đã rất khó khăn để tìm kiếm một chương trình giảng dạy lịch sử phù hợp khi mới bắt đầu học tại nhà 10 năm trước. Cô nhận thấy rằng hầu hết các bài học đều có khuynh hướng bảo thủ, bao gồm các giáo lý tôn giáo, và chủ yếu dựa trên quan điểm của người da trắng để nói về lịch sử Mỹ. 

Pryce McPhaull, một người da đen luôn lựa chọn dạy con tại nhà đối với cả hai đứa con sinh đôi 12 tuổi và một đứa 14 tuổi, nói: “Tôi cảm thấy mệt mỏi khi đọc về người da trắng, kinh nghiệm của người da trắng. Tôi chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi vô cùng khi một quan điểm cứ được lặp đi lặp lại.”

Chính vì thế, Pryce McPhaull đã tự biên soạn chương trình giảng dạy của riêng mình, nghiên cứu sách giáo khoa của con mình, tìm các bài đọc thay thế, xóa một bài liên quan đến bài quốc ca của Liên minh miền Nam “Dixie” và thêm một bài về “Nâng lên từng tiếng và hát” (“Lift Every Voice and Sing”), bài hát từ lâu được coi là quốc ca của người da đen.

Vào năm 2019, Pryce McPhaull đã công bố giáo trình giảng dạy thông qua việc cung cấp và cho phép tải về bản tải kỹ thuật số của chương trình này đối với các bậc phụ huynh khác, với hy vọng cung cấp cho họ công cụ để cùng với con cái của họ tạo nên những cuộc trò chuyện tương đối khó khăn về những thực tế khắc nghiệt trong cuộc sống. So với tháng 8 năm 2019 khi số lượt tải chương trình giảng dạy này về ở mức 300 lượt, vào tháng 8 năm 2020, con số này đã thay đổi lên hơn 2.000 lượt tải xuống. Những lý do có thể lý giải cho hiện tượng này là do sự gia tăng homeschooling trong thời kỳ đại dịch cũng như sự quan tâm ngày càng tăng đối với nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống sau cái chết của George Floyd. Chương trình giảng dạy lịch sử Mỹ dành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 7 của cô có giá 50 USD và chương trình học trung học của cô gồm hai phần với giá 60 USD mỗi phần, tất cả đều cung cấp góc nhìn sâu sắc hơn về lịch sử đối với người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc Phi và người nhập cư, “hơn hết đó là những suy nghĩ tiếp diễn sau khi học và tìm hiểu.” Theo Pryce McPhaull, có hơn 700 gia đình đã đăng ký các khóa học trực tuyến của Woke Homeschooling kể từ tháng 9 năm 2020. 

Pryce McPhaull cho biết, “Tôi vẫn thường hay nói “hãy nói sự thật một cách thẳng thắn và chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra” bởi vì chúng ta chưa từng dám nói sự thật. Với tư cách là một quốc gia thống nhất, chúng ta đã không đối mặt với lịch sử một cách trung thực và chúng tôi sẽ làm điều này một cách thật khác biệt.”

Thomas cho các con ngồi vào bàn ăn để bắt đầu học toán. Nguồn: Ilana Panich-Linsman for TIME

Lịch sử của homeschooling 

Pryce McPhaull không thể tìm thấy nhiều lựa chọn để xây dựng chương trình giảng dạy mà không được viết từ quan điểm bảo thủ, Cơ đốc giáo. Chính vì thế, các giáo trình của cô ấy đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Đây là những sự thật được phản ánh rõ nét qua những thông tin nhân khẩu học của nhóm người chọn homeschooling.

Làn sóng đầu tiên của homeschooling diễn ra vào những năm 1970 và được đẩy mạnh bởi các bậc phụ huynh thiên tả và có xu hướng thuộc nhóm “phản văn hóa” từ những năm 1960 (ND: những người có những tập giá trị và quy tắc đi ngược lại với phần đông còn lại trong xã hội). Nhà giáo dục John Holt đã gọi xu hướng này bằng cụm từ “không đến trường.” Holt ủng hộ việc dạy học hướng đến trẻ em và ít chú trọng vào điểm số và các bài kiểm tra. Ông khuyến khích các gia đình rời bỏ hệ thống trường công lập để ủng hộ cho các phong cách giáo dục ít cứng nhắc hơn. 

Tuy nhiên, vào những năm 1980 và 1990, homeschooling trở thành một phong trào bảo thủ hơn rất nhiều, do chồng chéo bởi những tư tưởng bảo thủ về việc chính phủ nên ít can thiệp vào giáo dục hơn, tăng quyền hạn của cha mẹ đối với việc giáo dục con cái, và cả tự do tôn giáo.

Các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa bắt đầu kêu gọi sự ủng hộ chính trị từ các bậc phụ huynh đang cho con học tập tại nhà. Chính vì thế, Hiệp hội bảo vệ pháp lý đối với giáo dục tại nhà được thành lập vào năm 1983 để vận động hành lang đối với các nhà lập pháp và cung cấp dịch vụ pháp lý cho các gia đình đấu tranh cho quyền được học tại nhà của họ.

Theo nghiên cứu của Heath Brown, một vị phó giáo sư thuộc lĩnh vực nghiên cứu chính sách công tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, cho biết, vào năm 2016, khoảng 60% phụ huynh tự cho rằng mình lựa chọn homeschooling đã bỏ phiếu cho Donald Trump – người đại diện phía Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, điều này đang có sự dịch chuyển khi mà ngày càng nhiều phụ huynh lựa chọn homeschooling trở nên trung lập hơn, đặc biệt đại dịch đã hỗ trợ đẩy nhanh sự thay đổi này.  

Brax, 6 tuổi, Blaine, 4 tuổi và Bellamy, 8 tuổi, nhìn vào máy tính xách tay của Blaine. Nguồn: Ilana Panich-Linsman for TIME

Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (NCES), số học sinh học tập tại nhà tăng gần gấp đôi từ năm 1999 đến năm 2016 – năm gần nhất có đầy đủ dữ liệu – khi gần 1,7 triệu học sinh chọn homeschooling, con số này chiếm khoảng 3,3% tổng số học sinh. Đa số những học sinh này là người da trắng (59%), trong khi 26% là học sinh gốc Tây Ban Nha và 8% là người da đen. Những người chọn homeschooling thường có lý do chính là do lo ngại về môi trường học, tiếp theo là không hài lòng với việc giảng dạy học thuật, hay mong muốn được giảng dạy nhiều hơn về tôn giáo.

Theo số liệu đến từ cuộc điều tra dân số, vào tháng 10 năm 2020, tỷ lệ giáo dục tại nhà tăng lên rõ rệt ở mọi chủng tộc khi có đến 12,1% số hộ gia đình gốc Tây Ban Nha và 9,7% số hộ gia đình da trắng lựa chọn phương pháp này. 

Nhiều bậc phụ huynh da trắng chuyển sang homeschooling như một cách để phản ứng lại lý thuyết phân biệt chủng tộc phê phán (critical race theory), phản đối cách phân biệt chủng tộc hiện vẫn đang được thảo luận trong các trường công lập. Aly Giles, một người da trắng sống ở Tennessee, cho biết, cô nghĩ rằng các trường công lập đã trở nên quá tự do và cô không muốn con trai mình “cảm thấy tội lỗi vì quá khứ không liên quan gì đến nó.” Giles bắt đầu dạy ba đứa con trong độ tuổi đi học tại nhà vào năm 2020. “Tôi không thể thay đổi toàn bộ hệ thống trường công, nhưng những gì tôi có thể làm là đưa các con tôi thoát khỏi nó,” cô nói.

Lý thuyết phân biệt chủng tộc phê phán là một khung học thuật ở trình độ sau đại học, tìm hiểu cách mà các trường học duy trì sự phân biệt chủng tộc. Các học khu trên khắp đất nước đã nhấn mạnh rằng lý thuyết này không được dạy trong các trường K-12, nhưng nó đã trở thành một thuật ngữ cửa miệng của các nhà phê bình –  những người cho rằng các bài học về sự phân biệt chủng tộc có hệ thống sẽ gây ra sự chia rẽ giữa các trẻ em, cũng như khiến cho các học sinh da trắng cảm thấy không thoải mái. 

Bốn anh chị em nhà Thomas làm bữa trưa sau giờ học tại bếp của gia đình. Nguồn: Ilana Panich-Linsman for TIME

Phó Giáo Sư Brown cho biết các bậc cha mẹ dạy con tại nhà từ lâu đã được thúc đẩy bởi mong muốn kiểm soát nhiều hơn chương trình học của con cái họ. Ông nói: “Điều đó bao gồm lựa chọn sách giáo khoa, lựa chọn chủ đề. Lấy một ví dụ mới nhất đó là các bậc cha mẹ da đen hiện đang theo đuổi mong muốn có được một nền giáo dục lịch sử toàn diện, đa dạng hơn so với chương trình phổ thông.”

Leave a comment