Giáo dục Khai phóng cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường

Nguồn: Times Higher EducationNgày đăng: 30/12/2022

Biên dịch: Nguyễn Phương Thảo – Biên tập: Thủy Tiên

Các chương trình học Giáo dục Khai phóng cần được đổi mới để tập trung phát triển những kỹ năng mà sinh viên cần khi bước vào thị trường việc làm.” – trích dẫn lời của ông Costas Spirou, Hiệu trưởng trường Cao đẳng-Đại học Georgia & State .

Gần 80 năm trước, tờ The Atlantic đã đăng một bài luận của Giáo sư E. K. Rand của Đại học Harvard về những quan điểm của ông liên quan đến sự suy yếu của các chương trình giáo dục khai phóng (GDKP).

Tác phẩm, được xuất bản vào 6/1943, có tiêu đề “Mang Giáo dục Khai phóng trở lại” (Bring back the liberal arts), có vẻ quen thuộc với độc giả hiện nay. Rand tuyên bố rằng các trường cao đẳng và đại học đang bắt đầu phát triển các môn học có tính “ăn xổi ở thì” – được cho là dễ hơn và tiếp cận theo chiều rộng (hơn là học sâu – ND) nhưng lại có ích hơn cho cuộc chiến sinh tồn.

Khoảng 70 năm sau, sau nhiều thập kỷ nói đi nói lại về các chủ đề tương tự, Sanford J. Ungar, khi đó là hiệu trưởng của Goucher College, đã đề cập đến một loạt mối quan tâm mới trong một bài báo năm 2010 có tiêu đề “7 quan niệm sai lầm lớn về Giáo dục Khai phóng”. Ông đã bàn về khía cạnh chưa sẵn sàng của GDKP trong việc chuẩn bị cho người học tham gia vào thị trường lao động trong thời kỳ suy thoái, về việc giảng dạy những môn học không liên quan đến nhu cầu thị trường, và về việc các chương trình GDKP từ lâu đã có tiếng là chỉ phù hợp với con cháu của các gia đình giàu có – những người vốn có nhiều thời gian và nguồn lực để theo đuổi các môn học “bí truyền” và các cuộc tranh luận vĩ mô. 

Những lời chỉ trích trên, phần đông có sức thuyết phục lớn, chắc chắn sẽ còn tiếp tục khi các chương trhìn GDKP vẫn tồn tại. Để phản biện những quan điểm trên, các nhà quản lý học thuật, giảng viên, sinh viên và thậm chí cả cựu sinh viên có thể đưa ra những ví dụ cụ thể về các trường hợp mà nhờ có những trải nghiệm học thuật của môi trường khai phóng, họ đã đạt được thành tích trong nghề nghiệp. Chẳng hạn, các doanh nhân và CEO thành công của một số công ty lớn nhất trong danh sách Fortune 500 như Starbucks, Disney, Hewlett-Packard và Alibaba đều có bằng cấp từ các trường theo đuổi mô hình GDKP.

Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ. GDKP có thể mất đi vị thế trong mắt công chúng khi các phương tiện truyền thông và phụ huynh than phiền về chi phí giáo dục đại học ngày càng tăng, nhu cầu hoàn vốn khi đầu tư vào giáo dục, cũng như nhu cầu tìm kiếm công việc lương cao tăng lên.

Để có thể đi ngược xu hướng trên, giáo dục đại học phải vượt ra khỏi chiến lược chỉ tập trung bảo vệ sức mạnh và giá trị của nền giáo dục khai phóng. Bởi lẽ, rất dễ thấy cách tiếp cận này đơn giản đã không làm nên chuyện. Thay vào đó, chúng ta phải nhìn vào bên trong doanh nghiệp để từ đó mở rộng vai trò của GDKP, ví dụ như nhấn mạnh những đóng góp độc nhất của GDKP  vào các chương trình đào tạo để giúp sinh viên trong tất cả các ngành học có thể chuẩn bị kế hoạch nghề nghiệp tốt hơn. 

Khi nói đến mức độ phù hợp với thị trường lao động, mô hình GDKP bị cuốn vào thế lưỡng nan giữa kỹ năng mềm và kỹ năng cứng. Kỹ năng cứng liên quan đến các kiến thức chuyên môn cũng như kỹ thuật hoặc kinh nghiệm đặc thù. Đào tạo về phần mềm, blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, sản xuất video hay tiếp thị liên kết được coi là một số kỹ năng hấp dẫn nhất trong hạng mục này. Do xu hướng mở rộng không ngừng của thị trường, các kỹ năng cứng trên có xu hướng thay đổi lớn và ngày càng được đánh giá cao. Nhìn chung, các kỹ năng cứng sẽ thay đổi theo những khám phá mới và khác biệt của nhu cầu thị trường.

Mặt khác, các kỹ năng mềm được hiểu là nguồn năng lượng cho việc thực hành các kỹ năng cứng. Một số kỹ năng mềm nổi bật bao gồm tính bền bỉ, tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và khả năng thích ứng. Mô hình GDKP có thể hỗ trợ sinh viên đáp ứng nhu cầu lao động hiện tại và thậm chí là tương lai bằng cách chuẩn bị cho họ đủ hành trang để có thể thành công trong cả những công việc chưa xuất hiện.

Dưới đây là bốn bước giúp hướng dẫn tái định hướng nội bộ và củng cố tầm quan trọng của mô hình giáo dục khai phóng.

1. Tái định nghĩa về sự phân ngành trong học thuật

Trong một môi trường bị chi phối bởi quan niệm “đơn ngành”, cái tôi học thuật và nhận thức thứ bậc, cần khuyến khích các trưởng khoa, trưởng bộ môn và giảng viên thảo luận để nhận ra rằng sự khác biệt của mỗi cán bộ học thuật sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của sinh viên. Ví dụ, ý tưởng về ngành nhân văn kỹ thuật số có thể thúc đẩy cho các giảng viên âm nhạc, nghệ thuật, sân khấu, tiếng Anh, lịch sử và ngôn ngữ hiện đại thảo luận về cách thức nhìn nhận lại kiến thức qua một lăng kính khác. Cuối cùng thì, việc tập hợp các cộng sự từ nhiều lĩnh vực khác nhau để cùng phác thảo bộ khung năng lực chung cho nhiều ngành sẽ thể hiện được tầm quan trọng của sự kết nối và tạo cơ hội cho các chương trình học liên ngành.

2. Tích hợp mô hình học tập từ trải nghiệm

Mô hình này được các nghiên cứu chỉ ra rằng nó có thể đóng góp tích cực  vào tần suất đi học, tỷ lệ tốt nghiệp, sự phát triển cá nhân và sự hài lòng của sinh viên với trải nghiệm học đại học. Cần có thêm nhiều hỗ trợ từ các trường để giúp cho việc nghiên cứu và học tập dựa trên gắn kết cộng đồng ở bậc đại học được phát triển.

3. Xác định cái mới và kết hợp cái mới

Trong nhiều trường hợp, việc giảng dạy đa phần tập trung vào mô hình thầy giảng – trò nghe (lecture) vì các giảng viên thiết lập bài giảng của mình dựa trên các trải nghiệm có được từ các nghiên cứu lý thuyết của các trường đại học – nơi đa phần chỉ tập trung vào việc nghiên cứu.  GDKP có khả năng làm tốt hơn khi có thể thu hút học sinh bằng cách sử dụng đa dạng phương pháp giảng dạy, như là học theo nhómnhóm, tư duy thiết kế, học tập tích cực, trò chơi hóa, giảng dạy theo nhóm, công nghệ tương tác và lớp học đảo ngược.

4. Nắm bắt ngôn ngữ của xác suất

Bản thân thuật ngữ giáo dục khai phóng (liberal arts) bị nhầm lẫn với yếu tố “tự do” (liberal) trong các hệ tư tưởng chính trị hoặc hiểu nhầm là giáo dục năng khiếu “nghệ thuật” (arts) – là những ngành vốn ít có cơ hội việc làm. Do đó, cần phải suy nghĩ lại về ngôn ngữ sử dụng và xem xét các cách diễn đạt khác để có thể mô tả toàn diện tác động của mô hình GDKP. “Năng lực phổ quát” (Universal competencies), “năng lực học thuật” (scholastic competencies) hay “năng lực bền bỉ” (enduring competencies) có thể là những thuật ngữ truyền tải chính xác hơn những đóng góp quan trọng của mô hình giáo dục này, không chỉ về khía cạnh nghề nghiệp mà còn về ý nghĩa của việc làm người.

Tôi (tác giả bài viết – ND) hoàn toàn đồng ý với E. K. Rand khi ông khẳng định: “Tôi không phải là kẻ thù của chuyên môn hóa – ở vị trí của chúng, đó là hiện thân của khoa học và tiến bộ.” Tuy nhiên, 80 năm sau, mô hình GDKP đang bị đe dọa hơn bao giờ hết; và các nhà lãnh đạo các trường đại học cần phải nhìn vào nội bộ tổ chức để tạo nên văn hóa hợp tác và sự toàn diện trong các chương trình học thay vì chỉ tiếp cận theo hình thức bổ sung. GDKP phải đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy giáo dục chuyên nghiệp để giúp sinh viên giải quyết các vấn đề của tương lai và bảo tồn được các thể chế dân chủ hiện tại.

Leave a comment