Giáo dục Việt Nam – Giáo dục cho mọi người: Tăng tỉ lệ ghi danh nhưng chất lượng chưa thay đổi! – P1

Nguồn: Researchgate, ngày đăng: Tháng 1/2007

Tác giả: Pham Thi Lan, Thi Thanh Thuy, Nicola Anne Jones. Minna Lyytikäinen

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Họa Mi

Mở đầu

Nhận thấy sự cần thiết của việc tiếp cận và chất lượng trong giáo dục, Việt Nam đã thông qua khung hành động Giáo dục dành cho mọi người (Dakar Education for All (EFA) Framework for Action) – một sáng kiến tập trung vào chất lượng hơn là chạy theo các đề mục trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millennium Development Goals). Kế hoạch hành động quốc gia EFA đặt ra một lộ trình nhằm thúc đẩy các hợp phần chủ đạo của hệ thống giáo dục trước năm 2015: Chăm sóc trẻ mầm non và giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giáo dục không chính quy. Dự án “Những cuộc đời trẻ thơ” (The Young Lives project) – dự án nghiên cứu dài hạn theo dõi mức độ hạnh phúc của 3.000 trẻ em ở Việt Nam và ba quốc gia khác, trong thời gian 15 năm – đã xác định những thách thức trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo công bằng. Dự án “Những cuộc đời trẻ thơ” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các nhu cầu của trẻ em vùng nông thôn, trẻ em các dân tộc thiểu số, những người khuyết tật và những người có chế độ dinh dưỡng kém. Tỉ lệ ghi danh đang tăng nhanh hơn  so với chất lượng giáo dục. Nếu không có biện pháp khắc phục, nhiều trẻ em nghèo có khả năng hoàn thành bậc tiểu học nhưng không đủ khả năng làm toán hoặc đọc, viết.

Việt Nam có cam kết chính trị mạnh mẽ đối với EFA. Chất lượng giáo dục là một trong những mục tiêu giáo dục quan trọng của quốc gia – bên cạnh phổ cập giáo dục đến cấp trung học cơ sở, tiếp cận với học tập suốt đời, sự tham gia của cộng đồng và cải thiện quản lý nguồn tài nguyên. Việt Nam đã xây dựng một chương trình chặt chẽ nhằm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chẳng hạn như xây dựng trường học mới, xóa bỏ học phí ở bậc tiểu học và cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho trẻ em nghèo vùng cao. Chi tiêu cho giáo dục tăng từ 15% vào cuối những năm 1990 lên 20% vào năm 2015 trong tổng chi tiêu của chính phủ​. Cải cách chi tiêu công buộc các quan chức giáo dục phải có trách nhiệm trong việc đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng dịch vụ. Sự phi tập trung hóa tuy chỉ mới ở giai đoạn sơ khai nhưng đang tạo cơ hội cho các nhà hoạch định giáo dục địa phương đặt ra các ưu tiên sao cho phù hợp với bối cảnh thực tế. Các nhà tài trợ thực hiện các hỗ trợ cho mục tiêu vì người nghèo được đề ra trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế – Xã hội 2006-2010 của Việt Nam và đã tăng hỗ trợ từ 2,8 tỷ USD năm 2004 lên 4,4 tỷ USD năm 2007. Số liệu chính thức cho thấy khoảng 90% giáo viên đạt tiêu chuẩn quốc gia. 

Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức to lớn,  bao gồm:

  1. Khả năng tiếp thu các kỹ năng cơ bản còn thấp
  2. Cách thức giảng dạy ít tập trung vào nghiên cứu của các giáo viên vốn được đào tạo bằng phương pháp giảng dạy không khuyến khích học tập tương tác
  3. Phụ thuộc quá nhiều vào giảng dạy tư nhân
  4. Ít đầu tư vào ‘phần mềm’ giáo dục – chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên, tài nguyên lớp học và tài liệu giáo dục
  5. Mức độ phủ sóng về phát triển sớm ở trẻ (ECD) còn hạn chế
  6. Tiếp cận giáo dục không bình đẳng đối với trẻ em nghèo, khuyết tật và dân tộc thiểu số
  7. Thể chất của trẻ không đáp ứng vì dinh dưỡng không đầy đủ.

Kết quả không tốt

Young lives (từ đây chúng tôi sẽ sử dụng tên tiếng Anh của dự án “Những cuộc đời trẻ thơ” theo đúng thông tin của bài báo chính – ND) đã phân tích dữ liệu từ các bài kiểm tra tính toán và đọc viết cơ bản của 1.000 trẻ em tám tuổi từ 5 tỉnh thành của Việt Nam. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, 88% các em có thể đọc một câu cơ bản, 75% có thể viết một câu cơ bản  nhưng còn mắc lỗi hay gặp khó khăn khi viết và 86% có thể trả lời đúng một bài kiểm tra tính toán đơn giản. Tỉ lệ này có sự thay đổi rõ rệt đối với trẻ em sống ở những khu vực khác nhau. Trẻ em nông thôn có kết quả kém hơn trẻ em thành thị trong cả ba bài kiểm tra – 95%, 85% và 92% trẻ em thành thị hoàn thành các bài kiểm tra đọc, viết và toán so với 86%, 72% và 84% của trẻ em nông thôn.

Sự khác biệt này thậm chí còn thể hiện rõ hơn giữa các nhóm kinh tế – xã hội. Young lives đã xác nhận dẫn chứng từ một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2002 (trích dẫn trong Tran và cộng sự, 2003) rằng chưa đến một nửa số trẻ em thuộc diện ‘nghèo nhất’ có trình độ viết tương ứng với độ tuổi của chúng. Tỷ lệ ghi danh có thể cao, nhưng rõ ràng chất lượng giáo dục tiểu học, đặc biệt ở các vùng nghèo, là không đạt yêu cầu. Nếu không có biện pháp khắc phục, một nhóm lớn trẻ em có thể sẽ hoàn thành bậc tiểu học mà không có đủ kỹ năng đọc hoặc viết.

Có sự khác biệt đáng kể giữa trẻ em người Kinh (dân tộc nói tiếng Việt chiếm đa số) và không phải người Kinh, đặc biệt đối với với kỹ năng đọc-viết. Trẻ em người Kinh đọc tiếng Việt chính xác gấp ba lần so với các trẻ khác dân tộc. Tất cả các tài liệu học tập ở trường đều bằng tiếng Việt. Trẻ em dân tộc thiểu số không được tiếp cận giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ và thường không phát triển được khả năng thành thạo tiếng Việt.

 Ít tập trung vào việc nghiên cứu

Nỗi ám ảnh về ‘những cá nhân xuất chúng’ ngày càng tăng khiến cho chất lượng tổng thể của các dịch vụ chính phủ Việt Nam bị ngó lơ. Chính quyền ở các xã – cấp thấp nhất trong cơ cấu chính quyền – đang cạnh tranh nhau để thiết lập càng nhiều trường học hoặc lớp học kiểu mẫu càng tốt. Việc cải tiến phương pháp giảng dạy hoặc môi trường học tập ít được chú ý hơn khi các giáo viên cạnh tranh để “sản xuất” ra số lượng lớn học sinh giỏi. Các giáo viên đánh giá sự xuất sắc  của học sinh bằng cách tập trung vào việc giải các đề thi cũ hơn là bằng việc phát triển các phương pháp dạy-học đổi mới với mong muốn phát triển khả năng sáng tạo và trí tuệ của các em. Tập trung vào thành tích cao bắt nguồn từ phương pháp hoạch định truyền thống từ trên xuống. Chính phủ thường đặt ra các mục tiêu phải làm cho các cấp thấp hơn, bất kể khoảng cách về năng lực tài chính hoặc nguồn nhân lực. Cải cách quy trình hoạch định rất quan trọng để đảm bảo rằng các mục tiêu đặt ra khả thi và bền vững vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Quá phụ thuộc vào giảng dạy tư nhân

Ngày càng có nhiều trẻ em Việt Nam học tập tại các lớp học tư nhân. Young Lives chỉ ra rằng gần một nửa số trẻ em được lấy mẫu có gia sư riêng và có sự khác biệt lớn trong khả năng tiếp cận việc giảng dạy tư nhân. Trẻ em ở các vùng đồng bằng của Việt Nam có khả năng được tiếp cận việc giảng dạy tư cao hơn ít nhất tám lần so với trẻ em ở các vùng cao. Trẻ em thuộc các gia đình thu nhập trung bình tham gia các lớp học thêm cao gấp 4 lần so với các em thuộc gia đình rất nghèo. Đáng chú ý nhất, có sự khác biệt rõ rệt giữa trẻ em dân tộc Kinh và không phải dân tộc Kinh (2,6% so với 49,7%).

Hơn 60% trẻ em được tiếp cận với giảng dạy tư nhân được cha mẹ hoặc những người thân khác ủng hộ việc đi học thêm, 20% khác được giáo viên thuyết phục. Ít hơn mười phần trăm trẻ em đi học thêm tin rằng các lớp học thêm là cần thiết. Các cuộc phỏng vấn với những trẻ em tham gia các lớp học thêm về nghệ thuật và thể thao cho thấy 17% các em tự đưa ra quyết định.

Các nhà nghiên cứu của Young Lives nhận thấy rằng các lớp học thêm không khiến cho khả năng viết và toán học của trẻ tám tuổi cải thiện nhiều hơn. Sức khỏe tâm lý – xã hội (psycho-social well-being) của trẻ em và sự giàu có của gia đình – chứ không phải các lớp học thêm – là những yếu tố quyết định đáng kể sự thành công trong học tập của các em. Young Lives đo lường mức độ bình an của các em bằng cách sử dụng bảng hỏi gồm 25 câu về những Điểm mạnh và Khó khăn (strengths and Difficulties Questionnaire 25 test) (SDQ 25) – một thước đo tiêu chuẩn quốc tế về sức khỏe tâm thần của trẻ em – và phát hiện rằng những trẻ em có điểm hạnh phúc tâm lý – xã hội thấp thì khả năng học chữ và thực hiện tính toán chính xác thấp hơn 42 – 58% so với các em có điểm số tốt hơn. Sự giàu có của gia đình cũng có tác động đáng kể đến các kỹ năng đọc và làm toán của các em. Với trẻ em từ các gia đình giàu có, khả năng đọc và làm toán của các em sẽ tốt và chính xác hơn. Trẻ em đi học thêm sau giờ học có khả năng đọc chính xác cao hơn gấp đôi so với các em không học thêm, nhưng là nhờ vào sự giàu có tương đối của gia đình chứ không phải việc tham gia vào các lớp học kiểu này.

Hết phần 1.

Leave a comment