Giáo dục Việt Nam – Giáo dục cho mọi người: Tăng tỉ lệ ghi danh nhưng chất lượng chưa thay đổi! – P2

Nguồn: Researchgate, ngày đăng: Tháng 1/2007

Tác giả: Pham Thi Lan, Thi Thanh Thuy, Nicola Anne Jones. Minna Lyytikäinen

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Họa Mi

Đầu tư cho giáo dục chưa đạt ngưỡng

Bảng phân tích chi tiêu cho giáo dục khẳng định việc ưu tiên tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng hơn là vào các phương pháp đổi mới thân thiện với trẻ em nhằm thúc đẩy khả năng nhận thức, tình cảm và xã hội của trẻ. Trong khi tỷ trọng đầu tư công cho giáo dục trong tổng chi tiêu công tăng nhẹ trong giai đoạn 1999-2002 (từ 15,6 lên 16,9%) thì 73% chi tiêu được dùng cho các chi phí vận hành như lương giáo viên, bảo trì, và 27% còn lại dành cho việc quản lý. Tất nhiên, chi phí vận hành rất quan trọng trong việc duy trì động lực của giáo viên cũng như thu hút nhân sự đủ năng lực. Tuy nhiên, việc phát triển phương pháp giảng dạy và môi trường học tập tương tác lại được đầu tư với một tỷ lệ rất đáng lo. 

Ở những vùng siêu nghèo, nơi trẻ em đến cái ăn còn không đủ thì các chương trình dinh dưỡng tại các trường cần thiết phải đảm bảo là không có trẻ em nào đến trường bị đói. Các dẫn chứng quốc tế kể về mối tương quan chặt chẽ giữa việc cung cấp đồ ăn và thành tích giáo dục của học sinh. Các chương trình dinh dưỡng ở trường cho phép các em có hoàn cảnh khó khăn được đăng ký và ở lại trường khi đói bụng. Để đạt được các mục tiêu của EFA đòi hỏi phải có các chính sách để giải quyết nhu cầu.

Nguồn ảnh: https://ksbtdanang.vn/chuyen-mon/dinh-duong/lam-the-nao-de-cai-thien-tinh-trang-suy-dinh-duong-cua-tre-em-627.html

Học hỏi từ các mô hình trên thế giới

Giáo dục mầm non có chất lượng trang bị cho trẻ những điều cần thiết trước khi bắt đầu chương trình tiểu học. Các dịch vụ ECD có thể làm tăng tỷ lệ ghi danh và thành tích của trường. Các nghiên cứu từ Brazil, Colombia và Argentina cho thấy sự khác biệt đáng kể về sự tiến bộ ở bậc tiểu học giữa trẻ em tham gia các chương trình ECD và những trẻ không tham gia chương trình ECD. Tại bang Haryana của Ấn Độ, một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bỏ học của trẻ em từ tầng lớp trung lưu trở xuống đã thấp hơn đáng kể. Các em này đều tham gia các lớp ECD. Khi chương trình ECD có các chương trình huấn luyện dành cho cha mẹ, phụ huynh có xu hướng tiếp tục đồng hành với giáo viên và trường học trong suốt quá trình giáo dục con cái của họ. Tiếp cận với ECD cho phép các em đang là anh, chị lớn trong nhà (đặc biệt là trẻ em gái) được đi học trong khi các em có thể phải chăm sóc các em của mình.

Rào cản ngôn ngữ đối với việc học tập của trẻ em dân tộc thiểu số có thể được giải quyết. Các nghiên cứu từ Châu Phi và Châu Mỹ Latinh cho thấy việc học tập song ngữ có thể làm giảm tình trạng bị gạt sang bên của trẻ em bản địa và dân tộc thiểu số.

Một số đánh giá quốc tế về việc miễn giảm phí sử dụng có chủ đích làm dấy lên lo ngại về chi phí hành chính cao, tham nhũng và thiên vị khi các nhà cung cấp dịch vụ địa phương quyết định thực hiện miễn trừ. Người nghèo có thể không biết về các chương trình miễn trừ và/ hoặc không đăng ký vì sợ bị kỳ thị. Tuy nhiên, cũng có nhiều trải nghiệm tích cực hơn từ chương trình này. Trong 5 năm đầu tiên, một chương trình ở Bangladesh đã làm tỷ lệ nhập học trung học cơ sở của nữ giới tăng từ 27% lên 44%. Progresa, chương trình chuyển tiền mặt có điều kiện của Mexico, đã chứng minh các chương trình miễn trừ có mục tiêu – dựa trên mục tiêu chiến lược  việc tập trung vào các hộ gia đình – có thể giúp giảm bớt mức độ nghèo khó của trẻ em.

Giám sát ngân sách dành cho trẻ em rất nghèo (Child-sensitive pro-poor budget monitoring (CBM)) đang được Viện Dân chủ Nam Phi, UNICEF Châu Mỹ Latinh và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Vương quốc Anh (SCUK) tiên phong thực hiện ở các khu vực Nam Á và Châu Phi. Việc giám sát này có thể giúp xác minh xem liệu các cam kết chính sách đối với EFA có được tài trợ đầy đủ ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương hay không. Tại Việt Nam, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thụy Điển và Tổ chức Cuộc sống Trẻ em đang thí điểm mô hình CBM ở cấp xã và tỉnh lị. Bộ Tài chính thực hiện khuyến khích giám sát minh bạch ngân sách tạo nên một không gian thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ và xã hội dân sự nhằm đảm bảo về sự phân bổ ngân sách đối với nhóm trẻ em nhạy cảm. 

Triển khai chính sách

Việt Nam vẫn chưa thể triển khai một cách nhất quán nền giáo dục thân thiện với trẻ em – theo định nghĩa của UNICEF là:

  • Một môi trường chất lượng không loại trừ, không phân biệt đối xử hoặc rập khuôn dựa trên cơ sở sự khác biệt
  • Trường học có chi phí phải chăng, dễ tiếp cận và nắm bắt nhu cầu đa dạng của trẻ em
  • Một môi trường học tập hiệu quả sử dụng các phương pháp giảng dạy chất lượng
  • Một môi trường lành mạnh bảo vệ trẻ em, dạy kỹ năng sống và bảo vệ trẻ em khỏi bị tổn hại và xâm hại
  • Một môi trường nhạy cảm giới trong đó gia đình, cộng đồng và trẻ em tham gia vào các quyết định quản lý nhà trường.

Trẻ em đến trường không chỉ đơn thuần là một cá nhân thụ động trong việc thụ hưởng các dịch vụ giáo dục, mà là những nhân tố có sự thông hiểu sâu sắc trong việc xác định chương trình giảng dạy nào có thể phù hợp hơn với cuộc sống của các em, trong một xã hội Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Kết quả nghiên cứu của Young Lives cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách và nhà tài trợ của Việt Nam nên:

  1. Đầu tư nhiều hơn vào ECD – đặc biệt cho trẻ em nông thôn, nghèo và dân tộc thiểu số – và hỗ trợ nghiên cứu để đánh giá tác động và phát triển của ECD trong việc khắc phục chênh lệch về giới, dân tộc và thu nhập
  2. Cải thiện chất lượng giáo dục cho các cộng đồng nghèo ở nông thôn và vùng cao và phát triển các giải pháp cụ dựa trên ngữ cảnh để giảm khoảng cách về thành tích
  3. Thừa nhận rằng trong khi khái niệm ‘xã hội hóa’ các dịch vụ cơ bản – một thuật ngữ được sử dụng ở Việt Nam để chỉ việc đưa ra mức phí sử dụng dựa trên khả năng chi trả – có tác dụng trong việc huy động các nguồn vốn địa phương thì điều này cũng có nguy cơ tạo dựng nên khoảng cách thành tích vốn sẽ ngày càng gia tăng nếu người nghèo không đủ khả năng chi trả được các dịch vụ. Để ngăn chặn mối nguy hại này, những người rất nghèo cần được miễn hoàn toàn chi phí này
  4. Đào tạo giáo viên sử dụng các phương pháp học tập tương tác trong một môi trường học tập thân thiện với trẻ em
  5. Tăng thời gian liên hệ và khuyến khích việc học toàn thời gian để giảm thiểu các chi phí học tập tư nhân
    • Điều này sẽ không chỉ không thể đạt hiệu quả được ngay lập tức ở các vùng dân tộc thiểu số, nơi mà số lượng các trường học và giáo viên được đào tạo thiếu hụt, mà có thể sẽ còn cần nỗ lực nhiều hơn để tận dụng tốt nhất thời gian mà trẻ em ở trường.
  6. Khuyến khích giáo viên làm việc ở các vùng cao
  7. Cải thiện đào tạo tại chức và giám sát
  8. Xây dựng chương trình trường nội trú cộng đồng dựa trên thế mạnh – một mô hình trường học dựa vào cộng đồng tự chi trả nhằm khuyến khích trẻ em từ các xã vùng cao đến học và ở lại trường. Cần nhiều nỗ lực để giải quyết các vấn đề về bảo vệ, an ninh và phân biệt đối xử
  9. Cải cách phương pháp đánh giá học sinh, vì hệ thống hiện hành đo lường sự thành công trên cơ sở hoàn thành các lớp học chứ phải dựa trên năng lực của học sinh. Các phương pháp đánh giá thích hợp hơn có thể giúp xác định và giải quyết vấn đề của trẻ một cách kịp thời
  10. Thừa nhận giá trị của gia đình và cộng đồng trong việc tham gia vào việc quản lý trường học, thiết kế chương trình giảng dạy và ngân sách
  11. Thúc đẩy CBM như một công cụ để theo dõi xem liệu chi phí giáo dục có được sử dụng cho việc đào tạo giáo viên hay không
  12. Thúc đẩy một môi trường và chương trình giảng dạy khuyến khích sự sáng tạo, thay vì học vẹt

Leave a comment