“Émile” và di sản giáo dục của Rousseau (P1) 

Nguồn: The SAGE Handbook of Philosophy of Education, ngày đăng: 2010

Tác giả: Jack Martin & Nathan Martin

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Phan Trà Khúc

Có lẽ không một tác phẩm nào, ngoại trừ “Cộng hòa” của Plato, có sức ảnh hưởng đến tư tưởng và thực hành giáo dục trong chiều dài lịch sử về sau như Émile của Jean-Jacques Rousseau (1979).

Mặc dù các công trình giáo dục của Rousseau không chỉ giới hạn trong tác phẩm riêng lẻ này, nhưng khó thể phủ nhận, Émile chứa đựng tất cả ý niệm chi phối những suy tư về giáo dục mà Rousseau để lại. Do vậy, chúng tôi dành nửa đầu của chương này để truy sâu về nội dung của Émile trước khi lần tìm những ảnh hưởng của tác phẩm này lên sự phát triển của giáo dục và trường học.

Đọc Émile

Émile bắt đầu bằng luận bàn quan trọng và định hình rõ nét nhận định của Rousseau về Giáo dục. Rousseau cho rằng, Giáo dục đến từ ba yếu tố: từ tự nhiên, từ con người, và từ sự vật. Ý niệm của Rousseau về “giáo dục từ sự vật” khá trực quan: đó là kiến ​​thức mà chúng ta nhận được thông qua tương tác của chúng ta với môi trường vật chất xung quanh. “Giáo dục từ con người” là những gì chúng ta nhận được khi nội tâm hóa đức tin và góc nhìn từ người khác. Tuy nhiên, những gì gọi là “giáo dục từ tự nhiên” không rõ ràng tức khắc như vậy. Trong bối cảnh này, ‘tự nhiên’ là “bước phát triển nội tại của các khả năng và các cơ quan của chúng ta” (tr. 38). Do đó, ‘giáo dục từ tự nhiên’ là những gì các cá nhân học được từ sự phát triển về tinh thần và thể chất của chính họ.

Rousseau nói tiếp, để giáo dục có nề nếp, ba yếu tố này phải được kết hợp hài hòa. Do sự phát triển về tâm lý và thể lý là không thể thay đổi, “giáo dục từ con người” và “giáo dục từ sự vật” cần phải được điều chỉnh để phù hợp với “giáo dục từ tự nhiên”. Chương trình giảng dạy của Rousseau gợi mở về một nền giáo dục thích hợp chặt chẽ với sự phát triển tinh thần và thể chất của cá nhân.

Theo một nghĩa nào đó, Rousseau coi sự phát triển này là một cái gì đó chung cho tất cả: mỗi chúng ta, trong tính bình thường của tự nhiên, lớn lên, học cách nói, trải qua tuổi dậy thì, v.v. Đồng thời, những đặc tính về gen di truyền cũng dẫn đến sự đa dạng của mỗi cá nhân, và Rousseau – có lẽ hơn mọi nhà tư tưởng trước đó – nhạy bén hơn về hiện tượng này. Có lẽ vì lý do đó, thay vì trình bày lý thuyết giáo dục trừu tượng, Rousseau quyết định minh họa suy nghĩ của mình qua một người học tưởng tượng: Émile.

Tuy nhiên, mục tiêu của Rousseau là hài hòa ba nguồn giáo dục nêu trên, đã ngay trở thành một nan đề. Rousseau khẳng định rằng để giáo dục một người theo đúng bản chất của người đó, thì cần phải giáo dục họ vì chính bản thân họ. Dù vậy, xã hội yêu cầu một người phải được nuôi dưỡng vì người khác, để họ được rèn luyện thành những nhân tố hoặc công dân tốt. Do đó, Rousseau kết luận rằng có hai loại giáo dục khác biệt và không tương thích với nhau – “một loại, mang tính công cộng và thuộc về cái chung; loại khác, mang tính cá nhân và hướng nội”. Giáo dục đại chúng thực sự, Rousseau tiếp tục, chỉ có thể được thiết lập cùng với việc tái cơ cấu toàn diện xã hội dân sự, như ông đã đề xuất trong cuốn “Khế ước Xã hội”. Émile sẽ chỉ bàn về “giáo dục từ tự nhiên”.

Như vậy, Émile sẽ nhận được một nền giáo dục tự nhiên trong bàn tay nhào nặn của Rousseau. Như vậy có nghĩa, con đường giáo dục của cậu, sẽ gắn bó chặt chẽ với từng giao đoạn phát triển của tinh thần và thể chất. Trong Quyển I, Émile là một đứa bé sơ sinh; trong Quyển II, cậu là một đứa trẻ; Quyển III, một vị thành niên trước tuổi dậy thì; trong Quyển IV, cậu trải qua tuổi dậy thì; và trong Quyển V, cậu là một người đàn ông. Ở mỗi giai đoạn, Rousseau nhấn mạnh rằng cả những khía cạnh mà Émile được học và cách thức mà chúng xuất hiện là phù hợp với mức độ phát triển của đặc điểm thể chất của cậu.

Mục đích của Rousseau là làm cho Émile hạnh phúc, tự lập và tự do – ba điều đó, trong quan niệm của Rousseau, có thể gần như thay thế cho nhau. Do đó, câu hỏi mà Émile cố gắng trả lời, là làm thế nào, trong trật tự xã hội hiện có, một người có thể được nuôi dưỡng để được hạnh phúc, tự do và tự lập. Về khía cạnh này, Émile đưa ra một giải pháp khả thi cho một vấn đề mà Rousseau (1964) đã đặt ra trong Bài giảng của mình về Nguồn gốc của Bất bình đẳng (Bài học thứ hai).

Điều mà Bài giảng thứ hai đưa ra về cơ bản là căn nguyên về sự bất mãn của nền văn minh. ‘Con người xã hội”, theo Rousseau, là một phức hợp của những ham muốn ngấu nghiến dẫn đến vô độ.

Anh ta khốn khổ vì ‘nhu cầu’ của anh ta vượt quá khả năng của mình. Vì không thể tự mình thỏa mãn những nhu cầu này nên anh ta tìm đến sự giúp đỡ của người khác và do đó trở nên phụ thuộc vào họ. Để đổi lại sự giúp đỡ của họ, anh ấy ký vào bản khế ước nghĩa vụ đối với họ, và tự do của anh ta bị xâm phạm. Như một lá chắn cho những thất vọng của con người văn minh, Rousseau đề cao sự tự do và lòng trung thành của ‘con người tự nhiên’ (l’homme naturel). Sống một mình trong rừng sâu, không có ràng buộc xã hội và không có ngôn ngữ, con người nguyên thủy – theo Rousseau – không mong muốn gì hơn nhu cầu tự nhiên của họ về thức ăn, giấc ngủ và tình dục. Hơn nữa, những nhu cầu như vậy đã được đáp ứng một cách dễ dàng: khi đói, tự nhiên con người kiếm ăn; khi mệt mỏi, anh ấy ngủ; khi bị kích thích, anh ta tìm kiếm những phụ nữ qua đường. Bởi vì nhu cầu tương xứng với sức mạnh của mình, con người, theo lẽ tự nhiên, là tự lập. Anh ta không có nghĩa vụ gì với người khác và vì vậy chỉ cảm thấy những ràng buộc về thể chất. Kết quả là, anh ta được tự do, độc lập và hạnh phúc.

Mục tiêu thiết yếu trong giáo dục của Rousseau là phục hồi, trong bối cảnh văn minh hiện đại, trạng thái cân bằng tinh thần của con người tự nhiên: Émile trở thành con người tự nhiên trong thời hiện đại. Với cứu cánh đó, mối quan tâm cơ bản nhất của Rousseau là ngăn cản cậu học trò của mình đạt được bất kỳ nhu cầu nào ngoài tầm với của chính cậu. Rousseau tin rằng tất cả những nhu cầu như vậy đều do xã hội gây ra, và do đó, để ngăn chặn chúng bén rễ, Émile trước tiên phải được tách biệt khỏi xã hội loài người. Là một đứa bé sơ sinh và một đứa trẻ, cậu sẽ được lớn lên trong vùng nông thôn cô lập, chỉ có nhũ mẫu, gia sư và những người hầu bên cạnh. Chỉ đến sau này, một khi đã được trang bị đầy đủ, Émile mới được xuất hiện ra ngoài xã hội.

Tất nhiên, mặc dù đã ẩn dật chốn đồng quê, nhưng Émile không thực sự đơn độc. Cậu cũng không tự lập: cậu vẫn phụ thuộc vào gia sư, nhũ mẫu, đầu bếp, v.v. Do đó, để bảo toàn suy nghĩ của Émile về sự độc lập, vị gia sư cũng phải vận dụng đến những mẹo khôn ngoan. Dù bị cuốn vào một mạng lưới quan hệ xã hội phức tạp, Émile vẫn phải suy nghĩ rằng cậu không bị ràng buộc bởi mọi sợi dây trong xã hội. “Sự phụ thuộc vào con người” thực sự của anh ta phải được ngụy trang để nó có vẻ anh ta là người ‘phụ thuộc vào sự vật.’ Chỉ bằng cách này, Émile mới có thể được giữ ở trạng thái tự nhiên của mình.

Theo đó, người dạy kèm sẽ không bao giờ ra lệnh hoặc ép buộc Émile làm bất cứ điều gì, cũng như không cấm bất kỳ hành động nào. Thay vào đó, anh ta sẽ cho Émile thấy những trở ngại để buộc anh phải hành động theo những cách nhất định. Nếu Émile mắc lỗi, vị gia sư sẽ không thuyết giáo hay la mắng, mà sẽ sắp đặt để hình phạt dành cho Émile đến từ tự nhiên bản thân hành động. Ví dụ, nếu Émile phá vỡ cửa sổ trong phòng ngủ của mình, vị gia sư sẽ không phản đối. Nhưng anh ta sẽ không thay kính kịp thời, và Émile, run rẩy vì lạnh, sẽ học cách không phá vỡ cửa sổ.

Bằng cách này, Émile sẽ bị giữ trong tình trạng gần như không biết về các mối quan hệ xã hội trong suốt thời thơ ấu của mình. Sự cô lập khỏi những ảnh hưởng xã hội là mục tiêu chính của Rousseau trong phần đầu tiên của chương trình giáo dục. Mục tiêu đi kèm của ông là bắt đầu hình thành năng lực phán đoán trong Émile. Vì một ngày nào đó, để bước vào xã hội mà không trở thành người bị dắt mũi, Émile phải phát triển khả năng quan sát và phán đoán của mình.

Mặc dù năng lực lập luận của Émile sẽ không phát triển cho đến năm 12 tuổi, nhưng giai đoạn ấp ủ có thể diễn ra suốt thời thơ ấu. Vì cảm giác là nền tảng của mọi kiến ​​thức, điều cốt yếu là các giác quan của Émile cần được mài giũa. Để các giác quan được nhạy bén, cơ thể của cậu phải khỏe mạnh. Do đó, từ cuối thời thơ ấu cho đến khi 12 tuổi, thời gian của Émile sẽ được chia đều giữa các hoạt động thể chất và các bài tập về nhận thức cảm giác.

Để luyện mắt, Émile học vẽ; để luyện tai, cậu học hát. Dù vậy, phần lớn các hoạt động rèn luyện sẽ được bồi đắp trong những chuyến đi dạo của Émile tại vùng nông thôn. Ví dụ, trong những lần đi bộ, Émile sẽ học cách ước lượng khoảng cách bằng mắt. Kết quả cuối cùng của tất cả các bài tập này sẽ hình thành năng lực quan sát của Émile, sức mạnh mà sau này sẽ cung cấp nền tảng về khả năng phán đoán của cậu.

Ở tuổi 12, Émile đạt đến độ tuổi của lý trí. Bây giờ cậu sẽ bắt đầu học một cách siêng năng. Cậu sẽ bắt đầu với các ngành khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, kiến ​​thức của cậu về chúng sẽ không được học từ sách mà là từ quan sát và thử nghiệm: ‘[Émile sẽ] không học khoa học mà khám phá nó’. Để đánh thức sự quan tâm của cậu trong khoa học, gia sư của Émile đưa anh ta quan sát các hiện tượng tự nhiên khác nhau. Ví dụ, khi đi dạo, xem mặt trời mọc vào mùa hè; gia sư hỏi Émile làm sao có thể mặt trời mọc đối diện với nơi nó lặn. Họ lại đi vào mùa đông và nhận thấy rằng mặt trời mọc ở một nơi khác. Theo cách này, niềm yêu thích thiên văn học của Émile được đánh thức. Tương tự như vậy, một ngày nọ, người gia sư đưa Émile đến một hội chợ quốc gia, nơi một ảo thuật gia thu hút một con vịt sáp bằng cách vẫy một mẩu bánh mỳ. Gia sư hỏi Émile làm thế nào thủ thuật được thực hiện, sau đó đưa anh ta về nhà và cho anh ta thấy các đặc tính của nam châm. Với sự quan tâm của Émile đối với các ngành khoa học, cả hai bắt đầu thực hiện các thí nghiệm để hiểu rõ hơn về các hiện tượng mà họ đã quan sát được.

Xuyên suốt, ‘Émile không là một cuốn sách nào khác ngoài thế giới, không có chỉ dẫn nào khác ngoài các sự kiện’. Ý định xuyên suốt của Rousseau là Émile học cách tự điều tra các vấn đề. Các vấn đề khoa học, dù vậy, sẽ không phải là quan tâm học hỏi duy nhất của Émile. Cậu cũng học nghề. Cuối cùng, Émile và gia sư của cậu đi một hoặc hai lần một tuần để dành cả ngày với một người thợ mộc bậc thầy: “chúng ta dậy vào giờ như anh ta, làm việc trước anh ta, ăn tại bàn của anh ta, làm việc theo lệnh của anh ta, và sau khi có vinh dự được ‘uống với gia đình anh ta một chút, chúng ta có thể trở về với giường ngủ của mình”.

Tóm lại, trong độ tuổi từ 12 đến 15, Émile chia thời gian của mình cho các môn khoa học và môn học nghề của mình. Qua 15, các giác quan của cậu đã được mài giữa, sự phán đoán của anh ta đã hình thành. Bây giờ đã đến lúc bắt đầu lộ diện Émile ra ngoài xã hội. “Sau khi bắt đầu luyện tập thể chất và các giác quan, chúng ta đã luyện tập trí óc và khả năng phán đoán của cậu. Cuối cùng, chúng ta đã vận dụng được sức mạnh thể chất (như trong hoạt động học nghề) cũng như các khả năng khác của cậu. Chúng ta đã làm nên một thực thể hoạt động và suy niệm. Điều còn lại cho chúng ta, để hoàn thiện một con người, là bồi đắp tình yêu và cảm nhận.” Điều này thuộc về phần còn lại của tác phẩm.

(Còn tiếp)

Leave a comment