“Émile” và di sản giáo dục của Rousseau (P2) 

Nguồn: The SAGE Handbook of Philosophy of Education, ngày đăng: 2010

Tác giả: Jack Martin & Nathan Martin

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Phan Trà Khúc

Ở tuổi 15, sự phát triển thể chất của Émile có bước ngoặt. Cậu bắt đầu bước qua tuổi dậy thì. Giờ đây, người gia sư phải chăm sóc để quản lý những đam mê non nớt của Émile, đặc biệt là ham muốn tình dục của cậu. Rousseau tin rằng niềm đam mê thực sự tự nhiên duy nhất là amour de soi-même (tự yêu bản thân), sự thôi thúc bẩm sinh đối với bản thân thúc đẩy chúng ta đáp ứng các nhu cầu tự nhiên của mình. Tất cả các đam mê khác là phái sinh hay được sinh ra từ niềm đam mê nguyên thủy này và chỉ xuất hiện khi con người bắt đầu hình thành các liên kết xã hội. Một sự biến đổi của tình yêu bản thân mà Rousseau coi là đặc biệt có hại là tính tự ái, một loại mong muốn ngấm ngầm dựa trên sự so sánh và ưa thích của xã hội. Trên thực tế, mong muốn địa vị xã hội, và tính tự ái được bày ra trong một trò chơi có tổng bằng không: Tôi chỉ có thể có nhiều địa vị xã hội hơn nếu bạn có ít hơn, và ngược lại. Trong cả Diễn văn thứ hai và Émile, Rousseau ngụ ý rằng một trong những nơi biểu hiện mạnh mẽ nhất và sớm nhất của tính tự ái là trong tình cảm nhục dục. Ở hình thức ban đầu, nhu cầu về tình dục không gắn với bất kỳ đối tượng cụ thể nào: đối với người đàn ông tự nhiên, bất kỳ người phụ nữ tự nhiên nào cũng vậy. Ở dạng xã hội có điều kiện, tuy vậy, ham muốn tình dục cố định ở những cá nhân cụ thể. Do đó, được biến đổi thành tình cảm nhục dục, ham muốn xuất hiện để đòi hỏi sự đáp lại – người được yêu phải công nhận người yêu xứng đáng với tình yêu của mình. Như vậy, tính tự ái trỗi dậy, vì sự công nhận đó phản chiếu hình ảnh của chính người đang yêu.

Đồng thời, gia sư sẽ bắt đầu giới thiệu cho Émile về toàn bộ lĩnh vực quan hệ xã hội. Tuy nhiên, ban đầu gia sư sẽ chỉ vắn tắt bằng cách cho Émile đọc lịch sử. Đến nay, Émile chỉ đọc một cuốn sách: Robinson Crusoe, trong sự tồn tại biệt lập và độc lập, cậu nhận ra sự tồn tại (rõ ràng là lý tưởng hóa) chân dung tự họa của riêng mình. Bây giờ Émile sẽ đọc. Nhưng việc đọc của cậu có lựa chọn. Cậu sẽ bỏ qua các nhà sử học đương thời, vốn được đạo đức hóa và đưa ra những phán xét, mà thay vào đó cậu tìm đến các sử gia cổ đại, những người đơn thuần nói về sự thật mà không phán xét chúng. Tất cả vì mục đích trước đó và bây giờ, là dạy cho Émile cách dựa vào chính phán đoán của mình hơn là bất kỳ một quan điểm nào khác từ bên ngoài. Rousseau đặc biệt khuyến nghị Émile đọc Thucydides và Plutarch – người trước sẽ cho cậu thấy hành động của con người, người sau là trái tim của họ. Kết quả cuối cùng của việc đọc này, Rousseau tin rằng Émile sẽ thương cảm những người vĩ đại như trước đó cậu đã học cách thương cảm những người nghèo và những người yếu thế.

Do đó, khi soi xét những người khác, Émile sẽ thấy những điều khốn khổ ở trong cả những người may mắn và những người kém may mắn hơn. Còn cậu, đơn độc, hạnh phúc. Tuy nhiên, còn một bài học nữa mà Émile phải học để cảm giác từ bi (thương tâm) được hoàn thiện. Điều nguy hiểm là Émile, ưu ái số phận của mình hơn những người khác, sẽ kết luận rằng mình vượt trội hơn số đông. Émile phải được tập luyện để cảm nhận được điểm yếu của chính mình. Nhận thấy nỗi khốn cùng của người khác, Émile giờ đây biết rằng vận may của chính mình rất bấp bênh: do lỗi của chính mình, hoặc ác ý của người khác, bản thân cậu cũng có thể dễ dàng bị làm cho khốn khổ.

Những cái ‘bẫy’ duy nhất mà Rousseau đề xuất để bảo vệ cho cậu học trò của mình là ‘những cái bẫy của những người hầu gái’. Sau cùng, mục đích của gia sư trong việc phát triển lòng trắc ẩn trong Émile là để trì hoãn sự khởi đầu trong quá trình trưởng thành giới tính của cậu. Thật vậy, hai nỗi lo sợ lớn nhất của Rousseau trong thử nghiệm giáo dục này, là hoặc Émile sẽ bị quyến rũ bởi một người phụ nữ hoặc cậu sẽ bắt đầu tự thủ dâm. Do đó, đã đến lúc cho một cuộc nói chuyện thẳng thắn. Dù vậy, bài học giới tính của Rousseau cần được chuẩn bị cẩn thận. Rousseau đề xuất rằng Émile phải duy trì hoạt động thể chất để cảm thấy mệt nhoài bởi những bài tập luyện, cậu sẽ lắng nghe bài giảng của vị gia sư và anh ta có thể “mô tả nó [ham muốn tình dục] mà không làm khơi gợi lên nó”. Cuộc nói chuyện, bản thân nó, cũng phải được chuẩn bị cẩn thận.

Bài học mới này rất quan trọng, và chúng ta nên đứng từ xa để nhìn bao quát vấn đề. Đây là lúc để cậu ấy lắng nhận lời giải thích của tôi, rằng: thời gian của cậu ấy và của tôi đã được sử dụng như thế nào; cậu là ai và tôi là gì, tôi đã làm gì, cậu ấy đã làm gì, chúng ta hàm ơn nhau như thế nào, tất cả những mối quan hệ đạo đức của cậu ấy, tất cả những ràng buộc mà cậu đã đặt chân vào, và những gì được tạo ra để ràng buộc cậu, cột mốc nào cậu đã với tới trong tiến trình giáo dục này, chặng đường phía trước còn bao xa, những khó khăn cậu sẽ đối mặt, những cách để vượt qua chúng, những gì tôi có thể làm để giúp đỡ cậu, và cuối cùng, những điều cốt yếu mà cậu thuộc về, những nguy cơ rình rập cậu, và tất cả những lý lẽ để cậu buộc phải chú ý dõi theo bản thân trước khi nương theo những mong muốn.

Rousseau tin rằng kết quả cuối cùng, tại thời điểm vị gia sư tuyên bố từ bỏ quyền hạn của mình với Émile, cậu sẽ tìm kiếm thêm nữa chỉ dẫn của người thầy này và đề đạt rằng, anh ta sẽ tiếp tục chỉ bảo thêm nữa dựa trên một thỏa thuận mới và rõ ràng hơn.

Hiểu những nét bao quát về con người, đã được học về lòng trắc ẩn, và đã được báo trước về “những nguy cơ mới bao quanh mình”, Émile bây giờ đã sẵn sàng để bước vào xã hội. Émile và gia sư của cậu sẽ đến Paris. Vị gia sư, tuy vậy, có thêm một mánh lới nữa. Để phòng ngừa học trò của mình khỏi sự quyến rũ của những người phụ nữ Paris, anh ta giới thiệu Émile về một người phụ nữ lý tưởng, được đặt tên là Sophie. Tất cả những phụ nữ khác, Rousseau tin chắc, sẽ nhạt nhòa trong sự đối sánh với Sophie, và từ đó Émile sẽ “ghê tởm những người cám dỗ mình”.

Tại Paris, Émile sẽ có trải nghiệm trực tiếp đầu tiên với xã hội con người. Quãng thời gian đó sẽ giúp cậu làm quen với thói tục ở đây và định hình thị hiếu cho riêng mình. Đồng thời, Émile sẽ bắt đầu đọc rộng hơn, không chỉ đọc những tác gia Latin cổ điển (ngôn ngữ mà giờ đây cậu sẽ học), mà còn tiếp cận “những cuốn sách trong kho tàng tuyển tập văn học hiện đại, báo chí, bài biên dịch, và những cuốn từ điển”. Điều duy nhất mà Émile không thể tìm thấy ở Paris là Sophie. Và sau khoảng thời gian cạn kiệt tại thủ đô, Émile cùng gia sư sẽ trở về vùng quê để tìm cô ấy.

Trong cuốn sách thứ năm và là cuốn sách cuối cùng trong chuyên luận của Rousseau, Émile tìm thấy Sophie của mình, tán tỉnh cô, và cuối cùng kết hôn, tất cả là nhờ vào sự xếp đặt của vị gia sư. Quyển thứ năm bắt đầu bằng một chủ đề ngoại vi dài về loại hình giáo dục phù hợp dành cho phụ nữ, trước khi tiến triển trở thành một tiểu thuyết tình cảm thu nhỏ. Dù vậy, nó kết thúc bằng một bài học cuối cùng dành cho Émile: “Một buổi sáng, khi họ đã không nhìn thấy nhau trong hai ngày, tôi bước vào phòng Émile trên tay là một bức thư; nhìn thẳng vào cậu, tôi nói, “Cậu sẽ làm gì khi biết tin Sophie đã chết?”. Émile, dễ hiểu thôi, bộc lộ sự bối rối. Giờ khi người học trò của mình chú ý, vị gia sư tiếp tục giải thích rằng Émile đang quá bị chi phối bởi đam mê của mình. Dù vị gia sư đã làm Émile thành người tốt, anh ta đã chưa thực sự khiến cậu trở thành người đức hạnh, bởi “sự đức hạnh chỉ thuộc về những ai mang bản chất yếu đuối và mạnh mẽ trong ý chí”. Émile phải học cách “mở rộng quy luật thiết yếu đến những đạo đức” – điều đó có nghĩa là, đón nhận những ràng buộc và bất hạnh xuất phát từ “sự phụ thuộc vào con người” không thể tránh khỏi trong cậu – cùng mức độ với cái cúi đầu trước điều tất yếu của tự nhiên (“sự phụ thuộc vào sự vật”). Sophie, sau tất cả, có thể mắc bệnh, có thể chết, hay có thể rời bỏ cậu để đến với người khác. Trừ khi Émile học cách kiên cường chấp nhận những bất hạnh như vậy và kiểm soát những đam mê của mình, liệu còn cách nào khác để cậu có thể sống hạnh phúc và khôn ngoan không?

Kết quả thực tế là Émile phải rời Sophie một thời gian. Cậu và vị gia sư sẽ du ngoạn trong 2 năm, và sau thời gian đó, nếu Émile và Sophie còn mong muốn, cậu sẽ trở về và cưới cô. Chuyến đi sẽ giúp Émile quan sát con người trong mọi hoàn cảnh và địa vị, học ngôn ngữ và phong tục của họ. Cụ thể, cậu sẽ ghi chú về những thể chế khác biệt và những người dân ở đó, đồng thời đánh giá xem đâu là điều mang đến một cuộc sống hạnh phúc nhất. Khi 22 tuổi, Émile trở về và kết hôn với Sophie, điều sẽ diễn ra ở phần cuối cuốn sách, cậu sẽ biết nơi nào trên thế giới này mang lại yên bình.

Émile của Rousseau đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng những đọc giả đầu tiên. Một người đọc hiện đại dường như có thể tiếp nhận nó với lăng kính hoài nghi hơn. Những gì Rousseau chỉ ra, mà người đọc đó có thể kết luận, chỉ là một công thức kỳ quái dành cho cái gọi là giáo dục tại nhà. Kết luận đó không hoàn toàn sai lầm. Những luận đề của Rousseau, chí ít, chưa bao giờ được áp dụng một cách có hệ thống trên bề rộng. Dù cho có sức nặng đến đâu về triết lý đạo đức hay chính trị, dù cho phản ánh những tư tưởng của Rousseau nhiều đến mức nào, tác phẩm đơn giản là quá khác lạ, quá độc đáo ở nhiều chương hồi, để làm chỉ dấu khả thi như một hướng dẫn. Dù vậy, chủ đề và những ý tưởng chính của nó, đã tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến những lý thuyết và thực hành giáo dục sau này.

(Còn tiếp)

Leave a comment