“Émile” và di sản giáo dục của Rousseau (P3) 

Nguồn: The SAGE Handbook of Philosophy of Education, ngày đăng: 2010

Tác giả: Jack Martin & Nathan Martin

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Phan Trà Khúc

Di sản giáo dục của Rousseau

Chưa nói đến là một nhà giáo dục, việc cho rằng Rousseau có phải là một nhà lý luận giáo dục hay không, đã gây nhiều tranh cãi. Chắc hẳn rằng, có thể luận giải Émile (dù cho có tiêu đề khác là “Về Giáo dục”) như một ý tưởng về giáo dục đầy tính tưởng tượng và được lý tưởng hóa, đặt trong mối quan hệ với những lập trường về thể chế khác trong “Khế ước xã hội” và Bài giảng về Nguồn gốc của Bất bình đẳng của Rousseau, như nó vốn được hiểu như là một lý thuyết về giáo dục phát triển theo chiều dọc của mỗi cá nhân. Ngay cả trong “Bức thư gửi Chính phủ Ba Lan” sau này, trong đó ông đề xuất một hệ thống giáo dục quốc gia về quyền công dân, những lập luận chính trị rõ ràng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nếu tiêu chí phù hợp là mức độ ảnh hưởng ghi nhận đối với lý thuyết và thực hành giáo dục, thì đáng chú ý rằng đa số các ghi chép về lịch sử và triết lý giáo dục đều nhắc đến Rousseau và tư tưởng của ông.

Triết lý về phát triển và nuôi dưỡng tự nhiên của Rousseau dễ nhận thấy rõ nhất ở những lý thuyết và thực hành giáo dục cấp tiến, lấy trẻ làm trung tâm và mang tính nhân văn. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều nhà hành vi học, tâm lý học cá nhân (Adlerians), và nhà thiết kế giảng dạy cũng đã hồi đáp lại lập trường của Rousseau rằng trẻ em cần được tự do trải nghiệm trực tiếp các nhu cầu thiết yếu và kết quả tự nhiên liên quan đến hành động của chúng, và cũng đã vui vẻ chấp nhận vai trò của một “gia sư sắp đặt” tiêu biểu cho lý tưởng giáo dục của Rousseau. Nhìn chung, các nhà lý thuyết phát triển trong giáo dục công nhận lý thuyết về sự phát triển cá nhân trong Émile của Rousseau đã dự đoán một lý thuyết về phát triển đầy tiếng vang khác, được xây dựng gần 200 năm sau đó bởi một học giả Thụy Sỹ, Jean Piaget. Về phần một số nhà giáo dục có khuynh hướng phân tâm học, họ đã xác định các quan niệm tiền Freudian về các quá trình tâm động học như sự thăng hoa trong suy nghĩ của Rousseau về nguyên do của một số mưu cầu cao hơn về nghệ thuật và triết học trong chúng ta. Vẫn còn có thêm một mạch ngầm khác chịu ảnh hưởng từ Rousseau, có lẽ nghịch lý thay, rằng Rousseau lại được coi như một người khởi xướng các phong trào giáo dục tập thể. Những người theo chủ nghĩa Marx, các nhà luận giải cấu trúc và các nhà lý thuyết phê bình đều bị ấn tượng bởi những lập luận của những người theo Rousseau rằng, sự khác biệt cá nhân dẫn đến bất bình đẳng và không nên nhầm lẫn giữa bất bình đẳng do xã hội với bất bình đẳng do tự nhiên. Trong luận bàn tiếp theo, những điểm nổi bật nhất của những luồng chịu ảnh hưởng khác nhau này sẽ được xem xét riêng biệt.

Giáo dục cấp tiến và Giáo dục thay thế

Mặc dù có nhiều tranh luận liên quan đến bản chất chính xác của những điểm chung và mâu thuẫn trong số các học thuyết giáo dục khác nhau có thể được đưa vào dưới các biểu ngữ của giáo dục cấp tiến và giáo dục thay thế, người ta thường cho rằng các ý tưởng của Rousseau đã khởi xướng và theo nhiều cách, và nuôi dưỡng những động thái này. ‘Pestalozzi, Herbart, Froebel, Macmillans, Montessori, Caldwell, Cook, Dewey là người kế vị Rousseau; và các thiết chế, chương trình như trường mầm non (mẫu giáo), Dalton Plan, Play Way, và Project Method là những kết quả thực tiễn. Cụ thể, sự chú tâm của Rousseau vào lợi ích, hoạt động, và sự phát triển của học viên dần dần được ghi nhận trong một hình thức giáo dục chung tập trung vào con người toàn diện, vào sự khác biệt của từng cá nhân về khả năng và sở thích, vào học tập qua thực hành, đặc biệt là vào thông qua trò chơi và các tình huống giải quyết vấn đề cụ thể. Có lẽ sâu sắc hơn là mối quan tâm bao trùm của ông đối với lòng tự trọng đích thực của người học, như một vùng đệm chống lại sự so sánh tiềm ần với những cá nhân khác, điều vốn được khích lệ bởi giáo dục truyền thống và xã hội nói chung.

Johann Bernhard Basedow, người chỉ sáu năm sau khi Émile xuất bản và 10 năm trước cái chết của Rousseau, đã công bố một lời kêu gọi có ảnh hưởng về cải cách giáo dục, một phần, dựa trên những ý tưởng của Rousseau. Sau đó, các nhà giáo dục nổi tiếng như Pestalozzi, Herbart và Froebel đã thành lập trường học và nhà trẻ ở Thụy Sĩ và Đức vào cuối những năm 1700 và đầu những năm 1800, đồng thời phát triển nhiều lý thuyết và phương pháp giáo dục tân Rousseauian, theo những cách khác nhau và đều nhấn mạnh, mọi người đều giằng co với những căng thẳng giữa tự nhiên và xã hội, giữa bản thân và người khác, giữa tự do cá nhân và bổn phận/đức tính công dân. Hơn nữa, giống như Rousseau, họ đều cho rằng giáo dục nên được chuyển đổi từ một sự sắp đặt hà khắc của kỷ luật tri thức và xã hội để tạo điều kiện hài hòa giữa bản chất tự nhiên, độc lập của trẻ em với những đòi hỏi không thể tránh khỏi tồn tại trong xã hội.

Johann Heinrich Pestalozzi là một trong những đệ tử đầu tiên của Rousseau áp dụng trực tiếp ý tưởng của mình vào việc đi học của trẻ. Pestalozzi đã cố gắng hệ thống hóa sự phát triển tự nhiên, tiến bộ của năng lực bẩm sinh trong trẻ bằng cách đưa những gì ông coi là yếu tố cơ bản của kiến ​​thức tiếp xúc với các mối quan tâm của tâm trí từ gần đến xa trong trải nghiệm. Ông hiểu giáo dục hỗ trợ một quá trình phát triển hữu cơ của con người thông qua sự tương tác với các đối tượng hằng ngày trong một môi trường có tình yêu thương. Điều đó được thực hành chủ yếu thông qua Joseph Neff, một cộng sự của Pestalozzi, người đã được William Maclure ký hợp đồng để hỗ trợ việc giáo dục trẻ em ở New Harmony, Indiana (một cộng đồng thực nghiệm do Robert Owen và William Maclure thành lập). Neff đã sử dụng các phương pháp của Pestalozzi và đi tiên phong trong “thực địa”, chống lại kỷ luật hà khắc và chuyện học thuộc lòng. Chống lại quyền hạn không thể nghi ngờ của giáo viên, Neff khuyến khích học sinh của mình để đặt câu hỏi và lập luận trên cơ sở các giác quan và sự hiểu biết của họ. Ý tưởng của Pestalozzi được ủng hộ rộng rãi bởi Amos Bronson Alcott, người được mệnh danh là Pestalozzi của Mỹ.

Ở châu Âu, đó là Friedrich Wilhelm August Froebel, người đã từng học tại trường của Pestalozzi tại Yverdun, Thụy Sĩ, người đã áp dụng nhiều phương pháp của Pestalozzi để chống lại những gì ông coi là khắc nghiệt và hẹp hòi về văn hóa giáo dục tại nước Phổ đương thời. Mở rộng khả năng áp dụng Pestalozzi trong các vật dụng hàng ngày, gọi là ‘quà tặng’ (các hình dạng hình học cơ bản, cát, giấy, bài hát, v.v.) và theo đuổi nhiều hơn thế nữa trong chương trình nghị sự hữu thần, siêu hình và chủ nghĩa dân tộc, Froebel mong muốn xây dựng một nước Phổ mới thông qua hình thức giáo dục trẻ hóa, bắt đầu với nhà trẻ. Do nhiều mối bận tâm của Froebel về giáo dục có tính đạo đức và chính trị cao, một số người theo ông đã đến Hoa Kỳ vào khoảng năm 1868 để tị nạn từ các cuộc khủng hoảng chính trị ở Châu u, tại đó các ý tưởng giáo dục của họ được coi là mối đe dọa đối với nhà thờ và nhà nước. Tại Mỹ và Vương quốc Anh, ý tưởng của Froebel nhanh chóng bắt đầu thay thế giáo dục cải cách của Pestalozzi. Tuy nhiên, ở Pháp, Đức và Scandinavia, cả Pestalozzi và Froebel đều được tôn vinh và là đối tượng nghiên cứu ngang hàng.

Chủ đề đạo đức và chính trị trong tư tưởng và thực hành giáo dục của Rousseau và những người châu u tiến bộ tiên phong đã nhận được ghi nhận trong các tác phẩm giáo dục vang dội của John Dewey, người cùng với vợ Alice, con gái Evelyn, và các đồng nghiệp như George Herbert Mead và Jane Adams, đắm chìm trong một loạt các thí nghiệm giáo dục, bao gồm cả việc thành lập và vận hành Phòng thí nghiệm nổi tiếng được tài trợ bởi Đại học Chicago. Ban đầu, kế hoạch giáo dục được thông qua trong Phòng thí nghiệm Chicago được dựa trên trường mẫu giáo của Froebel, mặc dù có tính xã hội và thực dụng rõ ràng hơn. Nó bao gồm phần lớn là theo dõi và đáp ứng bản chất của đứa trẻ. Dewey chủ yếu quan tâm đến việc đạt được một nền tảng dân chủ xã hội trung gian giữa những gì thường đối lập, chẳng hạn như nội dung chương trình giảng dạy với sự quan tâm của người học, và bản thân so với cộng đồng. Đối với Dewey (1938), việc bắt đầu với trải nghiệm sống và sở thích của đứa trẻ không có con đường nào kết thúc bằng những vấn đề được sắp xếp trong những ngành nghề được thiết lập sẵn. Hầu hết các bài viết về giáo dục của Dewey quan tâm đến việc mô tả chi tiết lý thuyết các điều kiện và quá trình liên quan đến những chuyển biến trong giáo dục. Chủ nghĩa xã hội tiến bộ của ông đã cố gắng thoát ly khỏi mối căng thẳng cực đoan giữa cái tôi và xã hội mà Rousseau nhận thấy cả về mặt tri thức và cá nhân. Mặt khác, nhiều nhà giáo dục cấp tiến và tiến bộ (trước và sau Dewey) ở cả Bắc Mỹ và Châu u đã thông qua và thực hiện các chính sách và thực hành giáo dục khuyến khích các hình thức cá nhân cấp tiến về quyền tự do của học sinh và giáo viên.

Trong những biến động về văn hóa vào những năm 1960, giáo dục thay thế đã được công nhận rộng rãi như một phong trào giáo dục đặc biệt, với những đổi mới như lớp học mở, chương trình giảng dạy tích hợp, giáo dục dân chủ và trường học lựa chọn đang được áp dụng và thực hiện ở nhiều hệ thống trường công lập truyền thống. Các trường học thay thế và chương trình thay thế trong các trường học bình thường đã tiếp nguồn cảm hứng không chỉ từ những ý tưởng của Rousseau, Pestalozzi, Froebel và Dewey mà còn từ những phân tích tâm lý về thực hành giáo dục của Homer Lane và A.S. Neill (người sáng lập của Summerhill nổi tiếng), từ Montessori – các trường do Maria Montessori thành lập và hoạt động thành công, và từ hệ thống giáo dục Waldorf do nhà triết học người Áo Rudolf Steiner sáng lập. Trường Montessori nhấn mạnh quyền tự do của học sinh, sự tham gia tuỳ chọn, và sự bình đẳng của học sinh trong việc ra quyết định giáo dục. Trường Waldorf nhấn mạnh rằng nhu cầu bên trong của trẻ không bị cản trở bởi tư lợi của người lớn, mà phải được yêu thương và đáp ứng đầy đủ. Trường Waldorf hiểu giáo dục như một hình thức nghệ thuật, dành riêng cho việc ‘đánh thức những gì thực sự tồn tại bên trong con người’. Với sự khẳng định lại các giá trị truyền thống trong chính trị và giáo dục trong những năm 1980, thời hoàng kim của chủ nghĩa vị tha trong giáo dục đã qua. Tuy nhiên, nhiều ý tưởng sư phạm của Rousseau (và trong số những người mà ông ấy ảnh hưởng, chẳng hạn như Pestalozzi và Dewey) dễ dàng nhận thấy trong hầu hết các lớp học tiếp tục sử dụng những gì được gọi là định hướng và phương pháp học tập khám phá và dạy học dựa trên câu hỏi.

Giáo dục tâm lý và lấy trẻ làm trung tâm

Giáo dục cấp tiến nhấn mạnh về bản chất, sự phát triển và lòng tự trọng của đứa trẻ cũng có vai trò đáng kể hấp dẫn ngành tâm lý học đang phát triển. Trong những năm 1950 và 1960, các nhà tâm lý học nhân văn như Abraham Maslow (1954) và Carl Rogers (1957) đã phản ứng chống lại chủ nghĩa hành vi thịnh hành đương thời, và hướng sự tập trung mới vào các quá trình nội tâm trong tâm lý học, với trọng tâm là trải nghiệm độc đáo, đầy hứng khởi. Tiếp nối vị gia sư của Rousseau, Rogers ủng hộ việc bồi đắp người đồng hành hòa nhập với những điều tốt từ tự nhiên và sự độc đáo cá nhân trong mỗi người học, để người đó có thể cung cấp cho người học những gì mà Rogers cho rằng cần thiết và vừa đủ cho trạng thái tâm lý, để đảm bảo cho trải nghiệm giáo dục. Những trạng thái như vậy bao gồm quyền tự do trải nghiệm thế giới trong an toàn và theo đuổi lợi ích cá nhân mà không có sự kiểm duyệt hoặc áp đặt, và nhận được sự tôn trọng thực sự, nhận được sự quan tâm tích cực và vô điều kiện từ giáo viên. Từ đó, khi được giải phóng khỏi những điều kiện xã hội, Rogers lập luận rằng người học sẽ được hướng dẫn chủ yếu bởi xu hướng tự nhiên, đồng thời vì lợi ích của bản thân và vì lợi ích của người khác (một hình thức tâm lý của amour de soi-même).

Nhưng, có lẽ trong tâm lý học phát triển, đặc biệt là khi áp dụng cho giáo dục, di sản của Rousseau đã đi chặng đường bền bỉ nhất. Ở đây, cần phải nhớ rằng trước Rousseau, ‘tâm lý giáo dục’ của các nhà tư tưởng như Plato và Locke hầu như không có luận điểm nào về phát triển. Rousseau đã đưa ra những ý tưởng rằng trẻ em không chỉ đơn giản là những người lớn thu nhỏ, mà còn trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau có thể đoán trước được, tiêu biểu qua những cách suy nghĩ và học tập đặc biệt dành riêng cho những giai đoạn đó. Quan điểm phát triển của Rousseau và sự tổng hợp trung gian của Hegel về những xung đột đối giữa tự nhiên và xã hội, bản thân và cộng đồng, không chỉ được Dewey mà cả George Herbert Mead tiếp thu, Jean Piaget và Lev Vygotsky theo những cách sau đó đã ảnh hưởng đến toàn bộ các thế hệ phát triển, các nhà tâm lý học giáo dục sau này. Ảnh hưởng liên tục của Rousseau dễ thấy rõ ràng trong các lý thuyết của các nhà tâm lý học liên quan đến sự khác biệt hóa cùng với sự xuất hiện của các loại nhận thức của trẻ em và năng lực trí tuệ thông qua hoạt động với những người khác trong thế giới đồ vật và thực tiễn xã hội; và trong sự nhấn mạnh rằng các nhà giáo dục phải sắp xếp và tạo điều kiện cho các trải nghiệm giáo dục cũng như tâm lý phù hợp với từng giai đoạn phát triển hiện tại của trẻ em trong một quỹ đạo phát triển tự nhiên, nhưng cũng cần các hình thức khuyến khích và thúc đẩy xã hội thích hợp. Đặc biệt quan trọng là sự đề cao lòng tự trọng và tự tin trong trẻ đi học và người lớn, theo những cách hòa hợp với hành trình tự khám phá, tự thể hiện và tự hoàn thiện bản thân.

Lý thuyết phê bình và chủ nghĩa giải cấu trúc

Một dòng ảnh hưởng thứ ba từ Rousseau đến lý thuyết phê bình đương thời và chủ nghĩa giải cấu trúc là suy đoán nhiều hơn và ít cụ thể hơn. Tuy nhiên, nhiều triết gia đương đại của nền giáo dục đã trải qua sự chuyển hướng sang các tư tưởng Châu u lục địa từ những người như Marx, Weber, Foucault và Derrida,
điều quan trọng là đừng quên rằng Rousseau, quán quân trong ý tưởng tự thể hiện và nguyên bản cá nhân, là một người chỉ trích gay gắt về sự suy thoái xã hội, nhưng cũng lại là người ủng hộ một số thiết chế tập thể nhất định. Rousseau
là một anh hùng đối với cả Kant và Hegel, và ít nhất một vài học giả như Allan Bloom (1990) đã kết luận rằng “Phê bình kinh tế học hiện đại của Rousseau và những câu hỏi của ông về tính hợp pháp của tài sản tư nhân là ở cái gốc của chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là chủ nghĩa Marx”. Hơn nữa, mặc dù bản thân không phải là một nhà cách mạng, Rousseau bị xã hội tư sản coi thường rõ ràng, ông thường xuyên có xu hướng liên quan đến đời sống nông dân, và ủng hộ một trường phái của lý thuyết phê bình hậu Mác-xít vốn đã tiên đoán một vai trò mạnh mẽ đối với một tầng lớp trí thức ưu tú với trí thông minh vượt trội có khả năng khám phá ra ‘những quy tắc của xã hội phù hợp nhất với các quốc gia’. “Trong ngắn hạn, nó là tốt nhất và là sự sắp xếp tự nhiên nhất để người khôn ngoan nhất điều khiển muôn vàn thứ”.

Những ý tưởng này tìm thấy sự cộng hưởng đáng kể trong lý thuyết phê bình do Trường phái Frankfurt phát triển (bao gồm Theodor Adorno, Walter Benjamin và Herbert Marcuse). Tương tự, chủ nghĩa giải cấu trúc của những người Pháp theo trường phái hậu Marxisit như Jacques Derrida, Jacques Lacan, và Michel Foucault, có thể được coi là phản ánh những khía cạnh nhất định trong các phân tích chính trị và xã hội của Rousseau. Và, phần lớn các bài viết của các nhà phê bình giáo dục như Paul Goodman, Jonathon Kozol, Herbert Kohl, Paulo Freire, Henry Giroux và Ivan Illich, tất cả đều ủng hộ cải cách giáo dục triệt để, và một số trong đó có thể được hiểu là ủng hộ việc bãi bỏ các trường học hoàn toàn. Ví dụ, khi Illich nói rằng “Trường học chiếm hữu một cách sâu sắc hơn và có hệ thống hơn, vì chỉ có trường học được ghi nhận với chức năng chính là hình thành phán đoán quan trọng”, người ta không thể không nghe những tiếng vọng về sự gò ép con người trong xã hội của Rousseau, có lẽ cộng với một chút biến tấu Foucaultian về tự giam cầm. Thật vậy, nhiều nhà lý thuyết phê bình đương thời và nhà giải cấu trúc trong giáo dục, như Rousseau, dường như bị thuyết phục rằng sự khác biệt giữa các cá nhân dẫn đến sự bất bình đẳng và sự bất bình đẳng về hoàn cảnh xã hội không nên nhầm lẫn với những gì là tự nhiên.

Leave a comment