Một số suy nghĩ về giáo dục Phần Lan (phần 1)

Tác giả: Lê Thị Ngọc Giao

PHẦN 1: PHẦN LAN YÊN BÌNH BAO BỌC QUÁ, CÓ LÀM THUI CHỘT TÍNH CẠNH TRANH VƯƠN TỚI ĐỈNH CAO?

Đã từ rất lâu rồi mình đã luôn có câu hỏi: cạnh tranh khốc liệt có phải là động lực duy nhất thúc đẩy sự phát triển và hướng tới đỉnh cao? Tại sao động lực vươn tới đỉnh cao không xuất phát từ nội tâm muốn là phiên bản tốt nhất có thể, ngay cả khi không ai ngắm nhìn? May quá năm 25 tuổi thì mình cũng tìm được điểm đến là Phần Lan để thử trải nghiệm một số giả định của mình về mối quan hệ giữa cạnh tranh và đỉnh cao. 

Từ nhỏ tới năm 18 tuổi mình luôn bận rộn và háo hức với các cuộc thi cũng như chen chân vào những nơi có tỉ lệ chọi cao chót vót (cỡ 5-6%). Tất nhiên thi thố thì có lúc thắng lúc thua, chen chân thì có lúc được lúc không. Nhìn bề ngoài thì có vẻ mình là người rất ham hố hoặc có ba mẹ tham vọng nhưng thực chất thì không phải vậy. Mình đi thi vì mình thích cảm giác khi tập trung vào một mục tiêu và “lên tay” trong một thời gian ngắn. Khi đã cố gắng hết sức thì kết quả không còn quá quan trọng vì cái sướng nhất đã nằm ở giai đoạn “tăng tốc” rồi. 

Nguồn ảnh: Internet

Cạnh tranh tàn khốc có thể phản tác dụng

Mình giữ tinh thần được đi thi đã là vui ấy cho tới khi chạm phải “đấu trường” đại học ở Singapore năm 18 tuổi. Lần đầu tiên mình biết đến khái niệm “bell curve” – điểm chung cuộc dựa vào vị trí của bạn so với các bạn khác chứ không theo một tiêu chuẩn cố định. Lúc vào đại học bạn sẽ nghe ra rả: điểm không quan trọng, quan trọng là bạn học được gì. Tuy nhiên, nhiều công ty danh giá khi tuyển thực tập ở năm 2-3 tuyên bố thẳng không xét hồ sơ nếu GPA dưới 3,8/4,0. Hệ thống này dẫn đến một số hành vi tối ưu hoá GPA như: không dám chọn học nhiều môn ở năm 1-2 để làm đẹp học bạ trước khi tìm được thực tập danh giá, không dám chọn học các môn tự chọn ở lĩnh vực mình không mạnh hay trái ngành, tranh thủ bằng được để làm việc nhóm với các bạn có vẻ giỏi, siêng năng bằng cách đăng kí môn học chung với nhóm quen. 

Mình bị sốc thật sự trong hai năm đầu tiên ở Singapore, vì niềm vui học thuật bị gián đoạn bởi những toan tính và một nỗi hoang mang to lớn: ủa vậy đi học đại học là học cái gì? Nếu không phải là học cái mình chưa giỏi/chưa biết? Thử cái mình chưa làm hay làm việc với những người khác mình?

Sau một thời gian nổi loạn và khủng hoảng niềm tin thì năm 2011 mình đọc được cuốn sách Finnish lessons: What can the world learn from educational change in Finland (tạm dịch: Bài học từ Phần Lan: Thế giới học được gì từ những thay đổi giáo dục ở Phần Lan) của Pasi Sahlberg. Đó vô tình là khoảng thời gian hệ thống giáo dục Phần Lan nổi như cồn với kết quả Pisa cao ấn tượng mặc dù học sinh không phải chịu áp lực thi cử chuẩn hoá. “Assessment is FOR learning, not OF learning” – nghĩa là triết lý giáo dục Phần Lan cho rằng đánh giá để xem cần dạy/học gì tiếp, chứ không phải đánh giá kết quả của việc dạy/học. Có một chi tiết buồn cười mình đọc được là khi có kết quả Pisa cao như vậy, một nhà làm chính sách giáo dục Phần Lan đã thốt lên: chết rồi, chúng ta đã làm gì sai sao? Chúng ta đâu có định giáo dục con trẻ để đi thi? Tại sao chúng nó đi thi lại được điểm cao như vậy?! 

Một phần vì tò mò, năm 2014 mình đã đến Phần Lan học thạc sĩ. Cái mình tìm kiếm không phải là thêm một tấm bằng hay thẻ định cư. Mình muốn trải nghiệm triết lý giáo dục đó và mối liên hệ với hành vi và cách ứng xử của con người với nhau và với xã hội. 

Quả nhiên, mình như cá được về với nước. Việc học cao học ở Phần Lan (cụ thể là mình học Chiến lược kinh doanh) không coi trọng đánh giá xếp hạng, vị trí của bạn so với người khác, mà quan trọng là sự tự vấn, suy ngẫm của bản thân đối với một quan điểm nào đó hay sau một trải nghiệm nào đó. Vì vậy, phương tiện đánh giá bao gồm rất nhiều bài self-reflection essays (bài luận tự vấn) và báo cáo sau khi đọc bài hay giải các ví dụ, làm việc nhóm. Trong một môn học mình rất thích là Strategy process (Tiến trình chiến lược) có phần chơi game chiến lược mô phỏng. Mình đã từng chơi game tương tự ở Singapore, khi đó, điểm cuối kì dựa vào vị trí xếp hạng kết quả kinh doanh của nhóm bạn. Còn ở Phần Lan, điểm đánh giá phụ thuộc vào bài báo cáo bạn rút ra được bài học gì qua những bước đi chiến lược của mình. Mình nhớ rõ lúc chơi ở Singapore, ai cũng ráng chơi “theo bài” để được thứ hạng cao. Còn ở Phần Lan, bọn mình thoả sức thử nghiệm một vài chiến lược lạ đời để xem kết quả thế nào. Khi kết quả không quá quan trọng, sự học thế là được thăng hoa. 

Phần Lan không chỉ có Nokia

Việc học thì bao dung như vậy, thế ra đời thì Phần Lan so kè thế nào với thế giới? Tất nhiên không thể so sánh một quốc gia khá thuần chủng với vỏn vẹn 5 triệu dân với các nước lớn và đa chủng tộc khác. Lẽ hiển nhiên, Phần Lan không thể đạt đỉnh cao thế giới trong đa dạng nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ bạn sẽ thấy trong một số lĩnh vực nhất định khi hội đủ duyên, công nghệ Phần Lan thuộc hàng đỉnh cao thế giới. Nokia thì cũ rồi, nhưng bạn có biết một trong 3 công ty thang máy lớn nhất thế giới đến từ Phần Lan – một đất nước thậm chí còn không có nhiều nhà cao tầng. Nhà sản xuất dầu sinh học từ phế thải thế hệ mới có thể dễ dàng pha lẫn với dầu hoá thạch lớn nhất thế giới cũng đến từ Phần Lan. Một trong những chiếc du thuyền sang trọng nhất, lớn nhất, dùng nhiên liệu sạch nhất thế giới được đóng từ Phần Lan. Hệ thống làm lạnh sâu đầu tiên trên thế giới giúp các nhà vật lý có thể làm thí nghiệm ở nhiệt độ 0 tuyệt đối một cách dễ dàng (tương đương -273,15 độ C hay -459,67 độ F) xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Phần Lan. Công nghệ này là một yếu tố kĩ thuật then chốt để làm khung máy tính lượng tử (quantum computer), là tiền đề cho tương lai. Đó là chưa kể đến những cá nhân xuất sắc thế giới của Phần Lan trong lĩnh vực nhạc rock, làm ánh sáng sân khấu, y tế thể thao hay đua xe thể thức 1. Một thành tựu ở tầm đỉnh cao đáng nể của một dân tộc ít người, với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt phải không?

Đại đa số người Phần Lan mình tiếp xúc trong công việc ở những ngành nghề khác nhau cho mình cảm giác họ vừa có sự nghiêm túc và tự hào ngầm về công việc mà họ gắn bó lâu dài, vừa có sự nghi ngờ về tầm quan trọng của bản thân. Việc mình mình làm. Tốt hay dở thì cũng là một phần của công việc, không phải đánh trống khua chiêng cũng chẳng phải đấm ngực tự trách. 

Trở lại câu hỏi ở đầu bài, một câu hỏi mà mình thấy khá nhiều phụ huynh và bạn trẻ quan tâm đến du học Phần Lan băn khoăn. Có người đã đến thì cho rằng bị truyền thông lừa đến đất nước hạnh phúc nhất thế giới hay có nền giáo dục tiên tiến nhất. Mình có thể khẳng định rằng, nếu ai đó đến vì hai thứ ấy thì sẽ bị hố to vì đó không phải là cái mà hệ thống và con người ở đây hướng tới. Hãy đến để trải nghiệm một tư duy khác, lối sống khác, hay đơn giản chỉ để phát triển thành phiên bản tốt nhất, tự nhiên theo thiên hướng của bản thân mà không phải/được/bị so sánh với ai khác. Cạnh tranh vẫn tồn tại ở đất nước này, nhưng nó là sự cạnh tranh với tính lười biếng, xao nhãng, an phận của bản thân khi không ai thúc đẩy và kiểm soát. Khi vượt qua những sở đoản đó rồi thì đỉnh cao luôn có thể với những ai/tập thể chú tâm làm tốt việc của mình. 

– còn tiếp – 

Về tác giả: Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Giao tốt nghiệp từ Đại học Aalto, Phần Lan. Trước đó, chị theo học tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), tham gia các học kỳ trao đổi ở Áo và Úc. Chị hiện đang sinh sống và làm việc tại Phần Lan, với vị trí Trưởng Bộ phận Chiến lược Công ty Nordcloud, một công ty của IBM. Với trải nghiệm học tập phong phú tại Singapore và Phần Lan, chị Giao đã đưa ra những góc nhìn và so sánh thú vị, sâu sắc qua bài viết về đặc điểm giáo dục của hai nước. EduThoughts hân hạnh được chia sẻ và giới thiệu bài viết của chị, với một số phần biên tập nhỏ (chủ yếu là dịch sang tiếng Việt các từ tiếng Anh) đã được chị Giao đồng ý. 

Leave a comment