Một số suy nghĩ về giáo dục Phần Lan (phần 2)

Tác giả: Lê Thị Ngọc Giao

PHẦN 2: LÀM SINH VIÊN Ở PHẦN LAN & TRẢI NGHIỆM MỘT TRIẾT LÝ SỐNG

Mấy năm gần đây, Phần Lan hay được nhắc tới ở Việt Nam với hình ảnh là đất nước hạnh phúc nhất thế giới cũng như có nền giáo dục hàng đầu. Riêng về giáo dục, đa số các bài chia sẻ đều tập trung vào nền giáo dục cơ bản từ mẫu giáo đến phổ thông. Vì thế, hôm nay mình muốn chia sẻ về một số điểm nhấn trong trải nghiệm của bản thân (và bạn bè xung quanh) khi làm sinh viên tại Phần Lan trong 9 năm trở lại đây. Từ đó, suy ngẫm một chút về một số triết lý giáo dục Phần Lan ở bậc này khi so sánh với trải nghiệm của bản thân ở Singapore (theo phong cách Mỹ), Úc và Áo. Mình sẽ chia bài viết này theo 3 mảng chính: phương pháp học & giảng dạy, cách chấm điểm & đánh giá năng lực, các hoạt động & phúc lợi cho sinh viên.

Nguồn ảnh: Internet

Phương pháp học và Giảng dạy

Nhìn chung, môi trường học thuật ở Phần Lan khá tự do và ít các chế tài như điểm danh hay tính điểm chuyên cần nên đòi hỏi người học phải có tinh thần tự giác và chủ động cao. Ngoài các hoạt động học tập phổ biến như làm bài tập cá nhân & nhóm, thuyết trình, viết báo cáo, làm bài thi, một phương tiện được sử dụng đặc biệt nhiều ở Phần Lan để đánh giá kết quả học tập là bài luận tự vấn (reflection essays). Nhiều sinh viên trao đổi từ nước khác đến Phần Lan hay than thở vì không quen với việc phải viết quá nhiều bài luận chiêm nghiệm sau khi đọc các bài viết, báo cáo khoa học, sau khi kết thúc dự án hay khoá học. Các bài luận này cũng chiếm một phần không nhỏ trong điểm số chung cuộc – là một điểm mình cho là khá thú vị.

Dường như ở Phần Lan, việc bạn rút ra được bài học gì từ quá trình học hay làm dự án cũng quan trọng không kém kiến thức được dạy hay kết quả trực tiếp từ dự án của bạn. Thật ra, cách học này có cơ sở khoa học vững chắc – việc phải truy vấn lại thông tin (information retrieval) sau một thời gian và liên hệ với bản thân (making connections) giúp cho kết quả của sự học được bền vững hơn và giúp người học có thể linh hoạt áp dụng chúng vào nhiều tình huống khác nhau trong tương lai. 

Cách chấm điểm và Đánh giá năng lực

Tương tự với tinh thần trên, cùng là chơi một game mô phỏng tình huống kinh doanh (business simulation games) nhưng ở Singapore, điểm số của mình sẽ dựa vào thứ hạng của mình trong game còn ở Phần Lan lại dựa vào chất lượng của bài học mình rút ra từ các quyết định đưa ra trong quá trình chơi game. Ở Singapore, vì quá chú tâm vào thứ hạng cuối cùng, các đội thường ráng chơi “theo bài” như sách giáo khoa trong khi ở Phần Lan, các đội được thoải mái thử nghiệm một vài ý tưởng lạ đời để xem kết quả thế nào. Theo mình, khi thứ hạng không còn quá quan trọng, sự học mới thật sự thăng hoa. Ngoài ra, ở Phần Lan cũng ít sử dụng bell-curve để phân bổ điểm số cuối kì mà người học thường được đánh giá dựa trên một thang điểm cố định. Với các môn học lý thuyết được đánh giá bằng kì thi cuối kì, việc được cho thi lại 2-3 lần (để cải thiện điểm số chứ không hẳn là do rớt) cũng khá phổ biến.

Đây cũng là một điểm khá nhất quán trong triết lý giáo dục Phần Lan: “Assessment is FOR learning, not OF learning” – nghĩa là đánh giá để xem cần dạy/học gì tiếp, chứ không phải đánh giá kết quả của việc dạy/học.

Các hoạt động và Phúc lợi sinh viên

Ngoài các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ văn hoá, thể thao, nghệ thuật vốn phổ biến trong đời sống sinh viên, mình khá ấn tượng về việc Hội đồng sinh viên (Students’ council) được tổ chức chuyên nghiệp và nghiêm túc như một Quốc hội thu nhỏ ở Phần Lan. Sau khi vận động tranh cử và được đắc cử vào Hội đồng sinh viên, các đại diện sinh viên sẽ tranh luận để đưa ra các quyết định, đề xuất, kiến nghị chung về những vấn đề rất thực tế và liên hệ chặt chẽ với chính sách dành cho sinh viên: như quy hoạch khuôn viên trường, giao thông công cộng đến trường, quy hoạch nhà ở sinh viên, thậm chí còn chi tiết đến cả kích thước toilet trong nhà ở sinh viên cũng như thời gian di chuyển từ nhà ở sinh viên đến trường.

Bên cạnh đó, dù là sinh viên quốc tế hay địa phương thì bạn cũng sẽ được ở nhà sinh viên với giá xấp xỉ 50% giá thị trường cũng như giảm giá chi phí đi phương tiện công cộng và y tế. Sinh viên cũng được hỗ trợ một khoản tiền khoảng vài ngàn euros khi đi trao đổi ở nước khác hay thực tập không lương. Còn một điểm cực kì nhân văn nữa là bữa trưa buffet ở canteen trường giá sinh viên phổ biến ở mức từ 2,5-3 euros (khoảng 75 ngàn VNĐ). Dù giá chỉ bằng 1/4 thị trường, nhưng những buffet này cung cấp một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho sinh viên gồm một quầy salad rau tươi, bánh mì phết bơ khai vị, một món mặn kèm cơm/mì (thường có 2-3 lựa chọn, có cả lựa chọn cho người ăn chay) cùng sữa tươi/nước trái cây.

Cũng giống như việc duy trì bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh từ cấp 1 tới cấp 3, những bữa ăn trưa sinh viên này cũng thể hiện một quan điểm nhất quán trong nền giáo dục Phần Lan đó là hướng tới sự bình đẳng không phân biệt xuất thân. Dù giàu hay nghèo, nấu ăn ngon hay dở, ai cũng xứng đáng có được ít nhất một bữa ăn dinh dưỡng trong ngày như tất cả mọi người khác. Có thực mới vực được đạo.

Hơn cả tấm bằng – đó là trải nghiệm một triết lý sống

Ngày nay, khi sự học có thể được tiếp cận từ nhiều nơi, qua nhiều phương tiện và kênh khác nhau thì mình tin rằng khoảng cách học thuật giữa các trường và quốc gia sẽ ngày càng xích lại gần nhau hơn. Khi đó, ngoài môi trường học thuật, các giá trị xã hội và triết lý sống ở nơi đó sẽ là một điểm quan trọng giúp chúng ta đưa ra quyết định. Khi chọn đúng, ta sẽ cảm thấy như cá về với nước. Với bản thân mình, Phần Lan là một điểm đến như vậy – nơi mình có thể tập trung khám phá chuyên môn và làm tốt nhất việc của mình theo hết khả năng và sở thích mà không phải bị xao nhãng bởi sự cạnh tranh quá mức đến độc hại và phản giáo dục có thể thấy ở một số nền giáo dục khác.

Về tác giả: Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Giao tốt nghiệp từ Đại học Aalto, Phần Lan. Trước đó, chị theo học tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), tham gia các học kỳ trao đổi ở Áo và Úc. Chị hiện đang sinh sống và làm việc tại Phần Lan, với vị trí Trưởng Bộ phận Chiến lược Công ty Nordcloud, một công ty của IBM. Với trải nghiệm học tập phong phú tại Singapore và Phần Lan, chị Giao đã đưa ra những góc nhìn và so sánh thú vị, sâu sắc qua bài viết về đặc điểm giáo dục của hai nước. EduThoughts hân hạnh được chia sẻ và giới thiệu bài viết của chị, với một số phần biên tập nhỏ (chủ yếu là dịch sang tiếng Việt các từ tiếng Anh) đã được chị Giao đồng ý. 

Leave a comment