Gaza: Học sinh phải đối mặt với nguy cơ kết thúc học kỳ sớm trong năm 2023 sau khi UNRWA cắt giảm các dịch vụ giáo dục

Nguồn: middleeasteye.net – Ngày đăng: 02/09/2023

Tác giả: Abeer Ayyoub

Biên dịch: Nguyễn Kim Ngân – Biên tập: Như Phương 

Các quan chức tại cơ quan tị nạn cảnh báo việc thiếu hụt 200 triệu đô la trong nguồn quỹ có thể dẫn đến việc kết thúc học kỳ sớm trong năm 2023.

Palestinian students attend a class at a government school in Gaza city, on 26 August (Reuters)

Học sinh Palestine tham dự một lớp học tại một trường công lập ở Gaza, ngày 26/8 (Reuters)

Hơn 300.000 học sinh ở Gaza đã trở lại trường học vào cuối tháng 8, các em đều theo học tại các cơ sở do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ở Cận Đông thành lập.

UNRWA điều hành 288 trường học ở Dải Gaza, cung cấp giáo dục cho người tị nạn Palestine, số người được hỗ trợ chiếm khoảng 2/3 tổng dân số của khu vực bị bao vây.

Kể từ khi thành lập vào năm 1949, sau vụ trục xuất hàng loạt người Palestine trong quá trình thành lập Israel năm 1948, UNRWA đã cam kết hỗ trợ, bảo vệ và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho khoảng 5,6 triệu người tị nạn Palestine ở Jordan, Lebanon, Syria, Bờ Tây và Dải Gaza.

Tuy nhiên trong năm nay, việc tổ chức này thực hiện cắt giảm chi tiêu đáng kể sẽ đồng nghĩa với việc nhiều học sinh sẽ không thể hoàn tất học kỳ của mình như thường lệ.

Gaza Adnan Abu Hasna, người phát ngôn của UNRWA tại Gaza, nói với Middle East Eye (một trang tin độc lập của Anh, chuyên đưa tin về khu vực Trung Đông và Bắc Phi – ND) – rằng nguồn quỹ của UNRWA đã thiếu hụt khoảng 200 triệu USD.

Ông giải thích: “Chúng tôi đã trả lương cho giáo viên của mình trong tháng 8 – tuy nhiên, có lẽ chúng tôi sẽ không thể trả tiền cho họ trong tháng 9 vì chưa nhận được các khoản tài trợ cho việc này”. 

Abu Hasna cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là do nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, đã dẫn đến việc hàng triệu người Ukraine phải di dời.

“Và tất nhiên, điều này đã gây thêm áp lực cho các quốc gia cung cấp viện trợ” – Ông nói.

Khủng hoảng tài chính

Đây không phải là cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên mà UNRWA phải đối mặt.

Cú sốc lớn nhất đối với tổ chức này diễn ra vào năm 2018, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng khoản tài trợ của Hoa Kỳ cho cơ quan tị nạn. Nguồn tài trợ được tiếp tục vào tháng 4 năm 2021, sau cuộc bầu cử của Joe Biden.

Ông Abu Hasna cho biết hiện tại UNRWA không có tiền để trả lương cho nhân viên của mình cho đến cuối năm.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ có nguồn viện trợ thường niên vào cuối năm nay, nhưng số tiền hiện đang thiếu hụt là dành cho 4 tháng còn lại của năm 2023”.

Elham Hilles, 34 tuổi, mẹ của 4 học sinh đang theo học tại các trường UNRWA cho biết, tin tức này khiến cô lo lắng vì cô đã rất vui khi các con được học tập tại đây. 

Cô nói với Middle East Eye trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Nếu năm học kết thúc vào tháng tới, tất nhiên tôi phải chuyển con mình đến các trường công lập, nhưng tôi chỉ mong điều này sẽ không xảy ra”.

Giám đốc phụ trách các vấn đề của UNRWA tại Gaza, Thomas White, đã chia sẻ một bức ảnh của ông trên mạng xã hội, trò chuyện với các học sinh trong chuyến thăm Gaza hồi đầu tháng 8. Trong dòng Tweet, ông xác nhận tình trạng thiếu hụt tài chính và thừa nhận rằng “điều tốt nhất chúng tôi có thể làm là cung cấp cho các em một nền giáo dục có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu không có thêm các khoản viện trợ bổ sung”.

Cô Mona Ahmed, một giáo viên tiếng Anh của UNRWA nói rằng, cô không quá lo lắng về khả năng cô sẽ không nhận được lương. Cô cho biết: “chúng tôi thường xuyên nghe về những thiếu hụt tài chính này, nhưng từ trước đến nay, sau cùng thì chúng tôi vẫn luôn nhận được tiền”.

Mona là một trong 9.367 giáo viên làm việc với UNRWA ở Dải Gaza, cô xác nhận rằng tình hình ở trường của cô thực sự cần phải có thêm kinh phí.

Cô thừa nhận: “Tôi có hơn 45 học sinh trong mỗi lớp, đây là một sĩ số lớp lớn và điều này sẽ thách thức giáo viên đảm bảo việc quan tâm chu đáo đến từng em, điều mà bất cứ học sinh nào cũng đáng được nhận.”

Mona bày tỏ mong muốn có ít nhất một tấm bảng trắng trong lớp học, vì hiện tại lớp cô vẫn đang sử dụng bảng xanh và phấn. 

“Tôi chỉ đang yêu cầu một chiếc bảng trắng vào thời điểm mà rất nhiều trẻ em trên toàn thế giới đã có thể tiếp cận với máy tính bảng – bạn có tưởng tượng được (sự thiếu thốn và khó khăn ở đây – ND) không?” cô ấy nói.

Mặc dù chưa bao giờ bị giảm lương hoặc bị chậm lương, Mona vẫn tin rằng mức lương cô nhận được – khoảng 800 USD mỗi tháng – là không tương xứng và không thoả đáng với mức độ căng thẳng của công việc.

Thách thức leo thang

UNRWA gần đây đã công bố việc mở thêm ba trường học mới ở khu vực Dải Gaza. Và trường cũng đang tuyển dụng hơn 500 giáo viên mới.

Mariam Rayyes, mẹ của hai học sinh cho biết, bà rất lo lắng khi nghe về vấn đề thiếu hụt tài chính của UNRWA, vì nếu các trường học do UNRWA điều hành đóng cửa, bà sẽ không còn lựa chọn nào khác vì bà không đánh giá cao các trường học của phía Hamas.

“Tôi không nghĩ đến việc sẽ gửi con mình vào trường công, tôi thích trường do UNRWA điều hành hoặc trường tư hơn. Nhưng tôi không nghĩ mình có đủ khả năng chi trả cho các trường tư,” bà Mariam Rayyes nói.

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ hộ nghèo ở Gaza đã tăng từ 38,8% dân số lên 53% vào năm 2020. Năm 2017, hơn 75% hộ gia đình phải phụ thuộc vào nhiều hình thức trợ giúp xã hội khác nhau.

Gaza đã bị Israel phong tỏa kể từ năm 2007, sau chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2006. Kể từ đó, Gaza đã phải hứng chịu hơn 4 cuộc tấn công quân sự của Israel và nhiều đợt xung đột leo thang đi kèm.

Abu Hasna cho biết, ông hy vọng rằng hội nghị các nhà tài trợ sắp tới ở New York, dự kiến ​​diễn ra vào tháng 9, sẽ đảm bảo nguồn tài trợ cần thiết để UNRWA tiếp tục các dịch vụ quan trọng của mình.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng tình hình tài chính của cơ quan này đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi chính trị toàn cầu.

Ông nói: “Với sự phổ biến của các chính phủ cánh hữu ở các quốc gia cung cấp các khoản tài trợ, việc hỗ trợ UNRWA ngày càng trở nên thách thức, đặc biệt là khi xem xét các cuộc xung đột leo thang ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn cầu”.

Leave a comment