Thanh niên Mỹ gốc Do Thái đau buồn vì Israel: ‘Hôm nay tôi rất cô đơn’

Nguồn: New York Times – Đăng ngày: 15/10/2023

Tác giả: Tracy, Marc; Robertson, Campbell

Biên dịch: Roãn Hồng Anh Thư – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Như thông lệ mỗi ngày, họ thức dậy vào sáng thứ bảy tuần trước (ND – ngày 7 tháng 10 năm 2023), nhấc điện thoại lên và kết nối lại với thế giới. Nỗi kinh hoàng ngay lập tức bủa vây họ, từ các tin nhắn trực tiếp, các bài đăng hay các đoạn video kinh hoàng tràn lan trên Instagram và các bảng tin. “Chào buổi sáng”, tin nhắn gửi trong đêm từ một người bạn ở Israel. “Tôi vừa thức dậy ngay giữa một cuộc chiến tranh với Hamas.” Là một thanh niên ở Mỹ ngày nay đồng nghĩa với việc phải đón nhận tin tức mà không có kiểm duyệt. Với nhiều thanh niên Mỹ gốc Do Thái, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ phải đọc những thông tin về cái mà tổng thống Joe Biden gọi là “ngày chết chóc nhất trong lịch sử người Do Thái kể từ nạn Diệt Chủng Holocaust”. Tất cả diễn ra với sự cô lập, im lặng, trong không gian phòng ngủ của họ.

Với một số thanh niên, cảm giác cô lập đó sẽ không suy giảm trong những ngày tiếp theo. Giáo viên chọn cách ít nói hoặc không nói gì về vấn đề này, những người bạn thân thì có vẻ không quan tâm nhiều, và trên mạng xã hội, một số người thậm chí bảo vệ cuộc tập kích này và cho rằng đây là sự phản ứng thỏa đáng đối với chính sách của Israel tại Dải Gaza, với tình trạng bị tước đoạt nhà nước của người Palestine, hay thậm chí là thỏa đáng chống lại sự tồn tại của một nhà nước Do Thái.

Ahuva Mahalel, một cô gái 16 tuổi nói “Hôm nay tôi cảm thấy rất cô đơn.” Cô cho biết, cô có nhiều bạn và hàng xóm người Do Thái nhưng không biết bất kỳ người Do Thái nào khác ở trường trung học công lập của mình ở New York. Cô cho biết thêm, “Tôi nghĩ rằng người Do Thái cảm nhận mình rất liên quan đến cuộc tấn công này và không phải ai cũng hiểu hay trải qua cảm giác này.”

Trong hàng chục cuộc phỏng vấn, những người trẻ người Mỹ gốc Do Thái mà hầu hết là những còn ở tuổi thiếu niên hoặc đôi mươi diễn tả về trải nghiệm của họ kể từ khi Hamas tấn công vào Israel, giết hơn 1.300 người, bao gồm ước tính khoảng 260 người tại một lễ hội âm nhạc.

Họ kể về sự sợ hãi và kinh ngạc của bản thân, về sự đoàn kết cũng như cảm giác bất lực. Đồng thời, họ cũng nói về những mối liên kết mới và sự gãy đổ các mối quan hệ cũ. Cũng như những người trẻ khác, họ đang trong quá trình định hình cách bản thân nhìn nhận về thế giới, và những điều tưởng chừng như chắc chắn vào một tuần trước đó về bạn bè, về giá trị hay về danh tính đều đã bị đảo lộn bởi các sự kiện diễn ra ở Israel và Gaza. 

Một bạn trẻ 19 tuổi sống tại Washington nói rằng anh ấy đã phải trả lời nhiều tin nhắn từ những bạn tham gia trại hè với mình hỏi rằng liệu anh có biết những người hướng dẫn viên người Do Thái mà họ từng tiếp xúc tại trại hè Do Thái ở bang Wisconsin có còn sống hay không. Một học sinh trung học tại Long Island, New York, cho biết cô cảm thấy lo lắng khi có người hỏi về chữ cái tiếng Hebrew trên dây chuyền của mình và cô phải giải thích cho họ tại quán sinh tố, nơi cô ấy làm việc. Một sinh viên năm cuối ở Philadelphia nói rằng anh ta cảm thấy khó để thể hiện sự phê phán của mình về chính sách của chính phủ Israel đối với người Palestine, vì anh ấy biết những người nói những điều tương tự đã bị đấu tố, tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng hoặc bị cáo buộc là ủng hộ Hamas. 

Gần như tất cả những người được phỏng vấn đều nói về cảm giác cô độc và họ thấy như có một vực sâu đã xuất hiện trong các mạng lưới bạn bè, giữa gia đình Do Thái của họ và thế giới không phải Do Thái xung quanh họ. Trong khi các bạn trẻ người Do Thái tất bật tổ chức các chiến dịch quyên góp hoặc tham gia vào việc viết thư, họ không thấy có sự cấp bách này từ nhóm bạn đồng trang lứa khác.

Ethan Smith, cậu thanh niên 17 tuổi, cho biết sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi năm ngoái, các câu lạc bộ ủng hộ Ukraine ngay lập tức hình thành tại trường trung học ở New Jersey của mình. Nhưng giờ đây không có điều tương tự diễn ra. Điều đang diễn ra ở Israel dường như được coi là sự kiện “gây tranh cãi”. Mặc dù, đối với Ethan Smith, vấn đề này hết sức rõ ràng.

Smith hiện đang tham gia tích cực vào phong trào thanh niên Do Thái BBYO ở khu vực anh đang sống. Với Smith, “mỗi thế hệ đều sẽ có trong lòng một khoảnh khắc mà bạn sẽ nhớ mãi bản thân đang ở đâu khi nó diễn ra. Với tôi, giờ đây, tôi sẽ không bao giờ có thể quên được cái cuối tuần đầu tiên của tháng Mười đấy.”

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào năm 2020 chỉ ra rằng cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái dành tình cảm và sự ủng hộ cho Israel rất lớn, và không phân biệt tín ngưỡng hay đảng phái. Cộng đồng này có khoảng 7.5 triệu người, chiếm 2% đến 3% dân số nước Mỹ. Những người trẻ hơn tuy ít khi nào tuyên bố rằng mình có “cảm xúc mạnh” hoặc “cảm xúc rất mạnh” với nhà nước Do Thái, đa số họ vẫn cho rằng sợi dây liên kết với nhà nước Do Thái chính là một phần quan trọng làm nên danh tính Do Thái của mình. 

Tổ chức Birthright Israel đã là động cơ của mối liên kết này trong hơn hai thập kỷ qua khi họ đã đưa 850.000 người Do Thái trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới về tham gia các chuyến tham quan miễn phí ở Israel. Trong một cuộc phỏng vấn điện thoại từ nơi trú ẩn tại nhà ở Tel Aviv, Israel, Gidi Mark, Giám đốc điều hành của Birthright Israel, cho biết tổ chức đã nhận được hơn 60.000 lá thư và hình ảnh từ cựu học viên kể từ cuộc tấn công vào thứ Bảy tuần trước.

Một vài cách kết nối đột ngột trở nên đứt gãy. Mạng xã hội, nơi thế hệ trẻ thường sẽ quy tụ một cách tự nhiên khi xảy ra những thời khắc định hình cả một thế hệ như sự kiện vừa rồi, bỗng chốc trở nên thật độc hại hơn bao giờ hết trong những ngày sau cuộc tấn công, nhiều người cho biết. 

Cora Galpern, sinh viên cao học 22 tuổi tại Đại học Michigan, nói “mạng xã hội không biết cách xử lý vấn đề này chút nào.” Galpern cho biết, mặc dù cô đã có nhiều cuộc trao đổi trực tiếp về cuộc khủng hoảng này nhưng Instagram dường như trở thành một bãi mìn nhiều cạm bẫy. Các cựu sinh của những nhóm thanh niên Do Thái đăng các nội dung trông như “những video quá khích của các binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Israel, như thể họ đang xem chiến tranh như một trận thể thao.” Trong khi đó, một số bạn học thuộc nhóm cánh tả, thường có xu hướng đoàn kết với người Palestine, thì lại cố gắng nói nhẹ đi hay thậm chí bào chữa cho hành vi bạo lực vừa diễn ra.

Mac Lang, 23 tuổi sống ở Columbus, Ohio, cho biết anh vẫn còn thức khi các thông tin về cuộc tấn công bắt đầu xuất hiện từ những trang tin của Israel mà anh theo dõi kể từ thời học ở Jerusalem.

Là một cựu sinh của các trại hè Do Thái và hiện là sinh viên nghiên cứu cao học tại Đại học Ohio State, Lang từ lâu đã ủng hộ quyền lợi của người Palestine. Nhưng trong những ngày gần đây, anh cảm thấy xa lạ với những người từng là đồng minh của mình một thời. Một số họ không chỉ chỉ trích và phản đối chính phủ Israel trong các bài đăng trên truyền thông xã hội mà còn giảm nhẹ hoặc bảo vệ Hamas — một nhóm mà, theo anh ấy, không chỉ đơn giản là phản đối Israel mà còn “rất rõ ràng là chống lại người Do Thái.”

“Với tư cách là một người tự nhận bản thân rất thiên tả, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy không thoải mái trong không gian cánh tả,” Lang nói. “Tôi cảm thấy rất lạc lõng và mất mát về mọi thứ hơn bao giờ hết.”

Một sinh viên ở cùng trường, Sam Klein, 20 tuổi, cũng mô tả về cảm giác lạc lõng này. Trong các bài đăng trên Instagram của các bạn học, ngoài việc đăng cờ Israel cùng với video “Đứng về phía Israel” thì anh không thấy có cuộc thảo luận cụ thể nào về nguồn gốc của cuộc xung đột này. Trong khi báo chí của Israel đã có một cuộc tranh luận mở về chính sách của chính phủ đối với người Palestine và đặt câu hỏi liệu chúng có phải là nguyên nhân của thảm kịch này hay không, ,thì những cuộc tranh luận đó lại không diễn ra ở Hoa Kỳ, anh nói.

Dù gia đình của Klein đã gắn bó qua nhiều thế hệ tại khu phố của người Do Thái ở Cleveland nhưng vào những lúc như thế này, anh nhận ra, đứng dưới góc nhìn chính trị mà nói thì bản thân mình chỉ là một người ngoài ngay giữa lòng một cộng đồng Do Thái. Anh không cho rằng tình hình sẽ cải thiện trong những ngày sắp tới, ở Gaza hay ở Mỹ. 

“Tôi không mấy lạc quan về tình hình hiện tại, thậm chí, tôi nghĩ nó sẽ càng ngày càng xấu đi. Tôi nghĩ sự phân biệt chủng tộc sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ trở nên bài Palestine hơn, cũng như bài Do Thái hơn.”. 

Cảm giác lo sợ đó được đồng tình và chia sẻ rộng rãi, ngay cả từ những người không đồng tình với quan điểm của Klein. Sarah Wapner, 27 tuổi, có ông bà sống sót qua nạn Diệt Chủng Holocaust, đã so sánh cuộc tấn công này với những cuộc thảm sát và diệt chủng người Do Thái ở châu Âu trong thế kỷ trước. Khác với nhiều người cùng tuổi, cô không nhận tin tức về cuộc tấn công trên điện thoại vì Wapner được lớn lên trong truyền thống Do Thái nên cô đã dành buổi sáng đó để thực hiện các nghi lễ Sabbath cũng như tuân thủ quy định không sử dụng điện thoại và các thiết bị khác vào ngày thứ Bảy.

Nhưng từ hôm đó, Wapner đã trải qua “một tình trạng kinh hoàng, tê liệt, tang thương, sợ hãi, nhanh chóng chuyển sang căm thù.” Sự căm thù này được hướng về các tổ chức, bao gồm một số tổ chức Do Thái, đã tham gia tuần hành ủng hộ Palestine — Wapner gọi những nhóm này là nhóm “thuốc độc.” Cô nói cô cảm thấy những con phố ở New York, nơi cô sống, không an toàn đối với người Do Thái trong thời gian gần đây.

“Người Do Thái có một trách nhiệm mới đó là phải tự vũ trang,” cô nói thêm. 

Mahalel, học sinh trung học ở New York, thì lại có những suy ngẫm về lịch sử Do Thái. Bà của cô đã trốn thoát khỏi Đức để đến Israel, nơi bố cô và cô sinh ra, trước khi họ đến Mỹ khi cô còn là trẻ sơ sinh. 

“Trải nghiệm chiến tranh, tội ác và giết chóc đã trở thành một phần ăn sâu vào  lịch sử của người Do Thái và lịch sử của Israel,” cô nói. Nhưng cô và những bạn học của mình được sinh ra trong thế kỷ 21 nên họ chưa bao giờ trải qua những kinh hoàng với quy mô lớn như vậy — cho đến nay.

“Chúng tôi không biết phải đối mặt với nó như thế nào.”

Leave a comment