Triết lý giáo dục

Nguồn: Britannica, ngày đăng: 27/9/2022

Tác giả: Harvey Siegel

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Như Phương

Đôi điều Edu Thoughts gửi đến bạn đọc

Kể từ năm 1945 đến nay, Việt Nam đã thực hiện ba cuộc cải cách giáo dục và hai lần đổi mới chương trình sách giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới. Trong dòng sự kiện này, trên các diễn đàn xã hội đã xuất hiện nhiều cuộc tranh luận xung quanh các vấn đề giáo dục, trong đó, triết lý giáo dục nhận được sự quan tâm sâu sắc.

Vậy, một câu hỏi được đặt ra là: Triết lý giáo dục là gì?

Trong bài viết của Harvey Siegel – nhà nghiên cứu giáo dục người Mỹ – sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin quan trọng và bổ ích về triết lý giáo dục (ở các quốc gia phương Tây), bao gồm:

  • giới thiệu các triết gia tiêu biểu trong lịch sử giáo dục;
  • khái quát các vấn đề then chốt trong triết lý giáo dục;
  • gợi mở các vấn đề triết lý giáo dục đang bàn luận (nhưng không nhằm đưa ra câu trả lời cụ thể nào, mà thông qua đó thúc đẩy các thảo luận sâu sắc hơn); đồng thời, cho bạn đọc thấy được mối liên hệ chặt chẽ giữa triết lý giáo dục và triết lý nói chung.)

Bài viết này phù hợp với:

  • những bạn đọc chưa tiếp xúc nhiều với triết lý giáo dục, hoặc;
  • những bạn đọc đã từng tìm hiểu và muốn có một bức tranh chung về triết lý giáo dục.

Giờ thì, mời bạn cùng khám phá “Triết lý giáo dục” của tác giả Harvey Siegel!

Triết lý giáo dục (Phần 1)

Triết lý giáo dục có hai khía cạnh chính: một mặt, mang bản chất của triết học; mặt khác, được biểu hiện trong thực tiễn là các hoạt động giáo dục. (Ở khía cạnh thực tiễn, triết lý giáo dục cũng giống như các lĩnh vực khác của triết học “ứng dụng”, chẳng hạn như triết học pháp luật, triết học khoa học và triết học y học, bao gồm cả đạo đức sinh học). Trọng tâm kép này đòi hỏi triết lý giáo dục phải bao hàm cả hai phương diện, là lý luận và thực tiễn. Cụ thể, cần xem xét những chủ thể chính của triết lý giáo dục như các vấn đề căn bản trong triết học (ví dụ: bản chất của kiến ​​thức là gì); đồng thời, cần quan tâm các vấn đề phát sinh từ hoạt động giáo dục trong thực tiễn (ví dụ, mức độ mong muốn đối với quá trình kiểm tra, đánh giá theo hướng tiêu chuẩn hoá). Những vấn đề thực tiễn này, về bản chất, cũng liên quan đến một loạt các vấn đề triết học tồn tại lâu đời trong nhận thức luận, siêu hình học, đạo đức học và triết học chính trị. Để giải quyết các rắc rối này, một triết gia giáo dục luôn cố gắng làm rõ khái niệm, lập luận chặt chẽ và đánh giá một cách thận trọng.

Các triết gia tiêu biểu

Lịch sử của triết lý giáo dục – hay còn được gọi là lịch sử giáo dục – là một nguồn thông tin quan trọng khi các triết gia giáo dục đương đại thiết lập các chương trình nghị sự tri thức (intellectual agenda). Song song đó, phạm vi của các phương pháp tiếp cận đương đại cũng là một yếu tố cần lưu tâm. Mặc dù chưa thể xem xét một cách có hệ thống các cách tiếp cận lịch sử cũng như các cách thức tiếp cận đương đại (của các triết gia giáo dục đã đề cập phía trên – ND), chúng tôi vẫn xin giới thiệu đến bạn đọc thông tin cơ bản về một số nhân vật quan trọng đối với lĩnh vực này.

Triết học phương Tây truyền thống bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại, và triết lý giáo dục cũng khởi nguồn từ đây. Các nhân vật lịch sử nổi bật đã phát triển quan điểm triết lý giáo dục thông qua việc lồng ghép các lý thuyết siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức và chính trị.

Khởi đầu là triết gia Socrates với “phương pháp Socrates” trong việc đặt câu hỏi (xem phép biện chứng) đã mở ra  một cách thức tiếp cận tập trung vào việc đưa ra lý lẽ và  tìm kiếm  sự thật. Từ đó dẫn dắt một người nhận ra  căn cứ của niềm tin, làm rõ cơ sở của phán đoán và biết lý giải cho hành động. Ở một khía cạnh khác, việc đặt ra các câu hỏi  theo phương pháp này cũng làm nảy sinh quan điểm cho rằng, giáo dục nên khuyến khích tất cả mọi người, bất kể có đang ngồi trên ghế nhà trường hay không, theo đuổi một cuộc sống ngày càng lý trí hơn. Quan điểm giáo dục đề cao lý lẽ này đã được hầu hết các nhân vật lớn trong lịch sử triết lý giáo dục đồng tình, bất chấp những khác biệt đáng kể về quan điểm triết học của họ.

Học trò của Socrates – Plato tán thành quan điểm được đề cập phía trên và cho rằng, nhiệm vụ cơ bản của giáo dục là giúp học sinh coi trọng lý lẽ và trở thành một cá nhân có khả năng suy luận. Đây là yếu tố quan trọng với Plato  vì ông đề cao trí tuệ  hơn cả niềm vui, danh dự  hay bất cứ điều gì khác. Trong  tác phẩm “Cộng Hòa” ( Republic), các đối thoại của ông đã đặt ra một tầm nhìn về giáo dục trong đó các nhóm học sinh khác nhau sẽ nhận được các hình thức giáo dục khác nhau, tùy thuộc vào khả năng, sở thích và  hoàn cảnh của các em trong cuộc sống. Tầm nhìn không tưởng của ông được nhiều người coi là tiền thân của cụm từ “phân loại” giáo dục (educational “sorting”). Hàng thiên niên kỷ sau, triết gia theo chủ nghĩa thực dụng người Mỹ John Dewey (1859–1952) lập luận rằng, giáo dục nên được điều chỉnh cho phù hợp với từng đứa trẻ, mặc dù ông bác bỏ cách phân loại học sinh theo các nhóm như mô tả trên của Plato.

Học trò của Plato là Aristotle cũng xem mục đích cao nhất của giáo dục là nuôi dưỡng khả năng phán đoán hay nuôi dưỡng sự thông thái, nhưng lạc quan hơn người thầy của mình về khả năng đạt được điều đó của một học sinh điển hình. Aristotle cũng nhấn mạnh việc nuôi dưỡng luân lý và phát triển nhân cách; ông tập trung vào phẩm hạnh và kiên định rằng, phẩm hạnh sẽ phát triển khi được dẫn dắt bởi xã hội (cộng đồng) và các quyền  hay lợi ích của cá nhân không phải lúc nào cũng quan trọng hơn quyền lợi của xã hội (cộng đồng). Những điều này đã được phản ảnh qua lợi ích đương đại trong “lý thuyết phẩm hạnh” (virtue theory) ở khía cạnh đạo đức và qua “Chủ nghĩa cộng đồng” (communitarianism)  ở khía cạnh triết học chính trị.

Jean-Jacques Rousseau (1712–78) khẳng định rằng nền giáo dục chính quy cũng giống như xã hội: sẽ không thể tránh khỏi tình trạng suy đồi. Ông lập luận rằng, giáo dục nên tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển “tự nhiên” và “tự do” (để giảm thiểu các ảnh hưởng xấu không thể tránh khỏi của xã hội và mang con người trở về với những phẩm chất tự nhiên tốt đẹp vốn có, thông qua phương thức giáo dục mà ông đã đề xuất – ND).

Nguồn ảnh: AZ Quotes

Quan điểm trên đã tạo nên phong trào hiện đại có tên là “giáo dục mở” sau này. Những ý tưởng này được phản ánh trong “chủ nghĩa tiến bộ” (progressivism) ở thế kỷ 20 với nhiều phương cách khác nhau. “Chủ nghĩa tiến bộ” là một phong trào thường (nhưng không phải lúc nào cũng chính xác) được gắn liền với Dewey. Cụ thể, Rousseau chủ yếu quy định nền giáo dục phân biệt dành cho trẻ em trai và trẻ em gái, và khi làm như vậy, ông đã nêu ra các vấn đề liên quan đến giới và vị trí của giới trong giáo dục, vốn là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong xã hội hiện đại ngày nay (cách “phân loại” giáo dục này của Rousseau khác với cách Plato đã được đề cập ở trên). Trong khi đó, Dewey lại nhấn mạnh trọng tâm của giáo dục phải là thực nghiệm và cho rằng điều này chỉ thực sự mang tính giáo dục khi nó hướng đến “sự phát triển”. Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng mục tiêu của giáo dục là “sự phát triển” đã cho thấy nhiều vấn đề gây tranh cãi và thậm chí, ngay cả ý nghĩa của khẩu hiệu này cũng không rõ ràng nốt. Mặc dù từng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hiểu biết các chủ đề truyền thống nhưng Dewey cũng đồng thời cũng tập trung đến lợi ích riêng của mỗi học sinh trong việc xác định các hoạt động giáo dục phù hợp và mục tiêu của mình; về mặt này, Dewey thường được xem là người mở đầu cho khái niệm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”. Do vậy, có thể thấy, trong khi những chủ đề kiểu Dewey (Deweyan themes) có thể khiến chúng ta liên tưởng đến quan điểm của Rousseau thì trên thực tế, Dewey lại đặt chúng trong một bối cảnh phức tạp hơn nhiều, mặc dù điều này có thể gây tranh cãi về mặt triết học. Dewey nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đối với sự bền vững cho các thể chế chính trị và xã hội dân chủ. Ông đã phát triển quan điểm giáo dục và chính trị của mình từ một nền tảng siêu hình học và nhận thức luận có hệ thống.

Trong dòng chảy của lịch sử triết lý giáo dục, bên cạnh những nhân vật vĩ đại là Socrates, Plato, Aristotle, Rousseau và Dewey, còn có các triết gia lớn khác, bao gồm Thomas Aquinas, Augustine, Thomas Hobbes, René Descartes, John Locke, David Hume, Immanuel Kant, John Stuart Mill, Karl Marx, Bertrand Russell, và gần đây là R.S. Peters ở Anh và Israel Scheffler ở Hoa Kỳ, cũng đã có những đóng góp đáng kể cho tư tưởng giáo dục. Một lần nữa cần lưu ý rằng, hầu như tất cả những nhân vật này, mặc dù có nhiều khác biệt về quan điểm triết học, trình độ cũng như có các mối quan tâm khác nhau, nhưng các triết gia đều lấy mục tiêu cơ bản của giáo dục là nuôi dưỡng tính duy lý (xem lý lẽ). Chưa có mục tiêu nào khác của giáo dục lại được sự tán thành tích cực của nhiều triết gia lớn như thế. Dẫu vậy thì mục tiêu này ngày càng được xem xét kỹ lưỡng trong những thập kỷ gần đây.

(Còn tiếp)

Leave a comment