Câu chuyện từ dải Gaza: Hạn chế quyền tự do đi lại đã ảnh hưởng đến quyền tiếp cận giáo dục của tôi như thế nào

Biên dịch: Công Tịnh – Biên tập: Như Phương

Đăng trên: right-to-education.org ngày: 30/05/2014

Tên tôi là Ayman Qwaider, 27 tuổi, sinh ra và lớn lên ở dải Gaza. Tôi may mắn được học ở Tây Ban Nha và hiện đang sống ở cùng vợ là Sameeha, cô ấy vừa được nhận học bổng tiến sĩ ở Perth. Tôi hiện đang học tiến sĩ ngành chính sách giáo dục và cải cách xã hội. Ước mơ theo đuổi giáo dục bậc cao của chúng tôi đã trở thành hiện thực sau khi gặp phải những trở ngại lớn. Nhưng nhiều sinh viên người Palestine từ Gaza có lẽ sẽ không thể biển giấc mơ của họ trở thành sự thật.

Dải Gaza (dài 397 ki-lô-mét vuông) nằm trên bờ biển Địa Trung Hải và là một phần của Palestine. Nó giáp với Israel ở phía Đông và Ai Cập ở phía Nam. Dân số ước tính là 1,8 triệu người, 65% trong số đó dưới 25 tuổi. Còn có hơn 1 triệu người nhập cư chưa được đăng kí, phần lớn sống rải rác ở các trại tị nạn dọc Gaza. Bản thân tôi cùng từng sống trong những thung lũng của trại tị nạn Nuseirat.

Ở Gaza, chính chuyền chiếm đóng của Israel duy trì kiểm soát chặt chẽ mọi mặt của cuộc sống thường ngày. Kể từ năm 2007, một cuộc phong tỏa kín do Ai Cập và Israel ban hành đã hạn chế không chỉ việc di chuyển của hàng hóa mà cả của con người. Việc hạn chế quyền tự do đi lại của người dân Palestine ảnh hưởng đến quyền cơ bản của chúng tôi, bao gồm quyền được giáo dục.

Trong bối cảnh phong tỏa kéo dài 7 năm trên dải Gaza, chất lượng dịch vụ giáo dục đã bị thiệt hại nặng nề. Cơ sở vật chất giáo dục luôn trong tình trạng tồi tệ, trang thiết bị giáo dục bao gồm sách mới, không thể nhập vào đã ảnh hưởng chất lượng giáo dục của các học sinh ở Gaza. Thêm vào đó, cơ quan quản lý giáo dục ở Gaza cũng như các tổ chức giáo dục quốc tế khác khó đầu tư vào xây dựng trường mới hoặc sửa chữa các cơ sở vật chất vì Israel tiếp tục cấm việc nhập khẩu các tài nguyên xây dựng vào Gaza. Khủng hoảng này tiếp tục nặng nề khi hai chiến dịch quân sự tiến hành ở Gaza vào mùa đông năm 2008 – 2009 và tháng 12 năm 2012. Hơn 280 trường học đã bị tàn phá hoàn toàn hay một phần trong chiến dịch Cast Lead (Operation Cast Lead) và hiện vẫn chưa được tái xây dựng hay sửa chữa. Một số lượng lớn các trường học trên thiếu nhà vệ sinh, nguồn nước, điện và các thiết bị cho lớp học như bàn, ghế, sách và ngay cả mực. Theo Bộ Giáo dục ở Gaza, khoảng 80% trường học ở Gaza dạy học theo chế độ ca kíp (sử dụng máy móc, trang thiết bị với công suất cao hơn – ND) để đáp ứng số lượng lớn học sinh.

Hạn chế ở biên giới cũng đã ngăn sự di chuyển của học sinh và cán bộ học thuật đi ra khỏi và đến với Gaza. Cán bộ giảng dạy không thể di chuyển để tập huấn ngoài Gaza và nguồn lực học thuật nước ngoài cũng không thể vào Gaza, đã gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục. Một thời gian dài trước khi phong tỏa 2007 diễn ra, với sự nổ ra của Intifada (theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “làm rung chuyển”, trong lịch sử đấu tranh ở Palestine, người dân nơi đây đã tiến hành hai cuộc intifada để chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây và dải Gaza – ND) lần thứ hai vào năm 2000, nguồn lực học thuật từ nước ngoài tuyển vào Gaza cũng đã bị thu hẹp. Hậu quả là sinh viên Palestine không có cơ hội tiếp xúc với các góc nhìn đa dạng và lối suy nghĩ mới, từ đó làm suy giảm khả năng nghiên cứu của sinh viên và các cán bộ học thuật.

Hơn nữa, hạn chế quyền tự do đi lại của sinh viên cũng đã ảnh hưởng đến quyền tự do tiếp cận giáo dục bậc cao của họ. Có 4 đại học chính ở Gaza và một số chứng chỉ không được các đại học này cung cấp. Những chứng chỉ này chỉ có ở Bờ Tây hay các đại học nước ngoài, trên thực tế sự hạn chế quyền tự do đi lại cũng đã tước đi sự lựa chọn của các sinh viên Gaza đối với quyền tự do học tập. Thêm vào đó, các đại học ở Gaza cũng chỉ cung cấp số lượng hạn chế các bằng cử nhân.

Sinh viên ở Gaza phải đối mặt với sự cô lập cực độ, không thể rời Gaza để theo đuổi giáo dục bậc cao ở các đại học Bờ Tây hay nước ngoài. Chính sách chiếm đóng của Israel đối với khu vực từng thống nhất của Palestine (Bờ Tây và Gaza) thật sự khiến giáo dục bậc cao không thể tiếp cận được. Để sinh viên Palestine có thể vào Bờ Tây, sự cho phép phải được phê duyệt từ chính quyền chiếm đóng Israel. Những giấy phép này chỉ được thông qua cho một số hạn chế người như nhân viên cứu trợ nhân đạo từ các tổ chức quốc tế. Và các giấy phép này cũng hạn chế về mặt thời gian, được tính theo ngày. Vào năm 2012, tờ báo Israel, Haaretz báo cáo giữa năm 2000 và 2012, chỉ có ba sinh viên Palestine từ Gaza được phép học tại các trường ở Bờ Tây, cả ba trường hợp này đều được can thiệp bởi chính phủ Mỹ do họ được cấp học bổng của Chính Phủ Mỹ.

Sự hạn chế về quyền đi lại là trở ngại cực kỳ lớn của các sinh viên ở Gaza. Vào năm 2010, tôi được cấp học bổng toàn phần nhờ nguồn tài trợ của quỹ Bancaja-Caja Castellón, để học thạc sĩ về Hòa Bình, Xung Đột và Phát Triển tại Đại học Jaume ở Tây Ban Nha – một ngành học không được dạy ở các đại học tại Gaza.

Mặc dù tôi đã có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết bao gồm thư nhập học, visa sinh viên đến Tây Ban Nha, vé máy bay, tôi vẫn không thể ra khỏi Gaza như hàng ngàn sinh viên được học bổng khác. Tôi đã yêu cần hỗ trợ từ các kênh chính thức như Đại sứ quán Tây Ban Nha ở Cairo và Tel-Aviv, Ân xá Quốc tế và cả Nghị viện châu Âu, tuy nhiên vẫn thất bại. Truyền thông trên mạng xã hội là cơ hội duy nhất để tôi có thể giành lấy quyền giáo dục cho mình.

Tôi đã viết một bài đăng trên blog của tôi, với tựa đề “Tôi có một ước mơ” (I have a dream), đặt ra một câu hỏi vô cùng căn bản: “Tại sao tôi lại bị tước đi quyền cơ bản, quyền được giáo dục?” Tôi cũng vận động mọi người sử dụng mạng xã hội Facebook và kiến nghị trực tuyến, đồng thời lập nên một chiến dịch truyền thông với sự giúp đỡ của trung tâm Tel-Aviv vì quyền tự do đi lại (Gisha), nhằm cố gắng hỗ trợ pháp lý cho người dân Palestine yêu cầu quyền tự do di chuyển khỏi và vào Gaza. Bài viết trên trang blog đã nhận được sự chú ý của các tổ chức báo chí chính thống của Tây Ban Nha tại Trung Đông, dẫn đến vô số các bài luận trên các báo địa phương ở Tây Ban Nha. Chiến dịch truyền thông quyền cơ bản của con người cuối cùng cũng có thành quả là gây sức ép lên chính quyền chiếm đóng Israel buộc phải cấp giấy thông hành cho tôi di chuyển từ Gaza đến Tây Ban Nha, bay qua Israel từ sân bay quốc tế Amman. Tôi may mắn sử dụng được kĩ năng và kết nối với các mạng lưới hỗ trợ qua truyền thông mạng để rời khỏi Gaza, tuy nhiên vẫn còn hàng ngàn sinh viên bị bỏ lại, không tiếp cận được quyền giáo dục cơ bản do việc đóng cửa liên tục ở biên giới Gaza gây ra.

Bốn năm sau, vào tháng 4 năm 2014, điều tương tự diễn ra. Vợ tôi, Sameeha Olwan, được trao học bổng tiến sĩ ngành văn học so sánh và viết sáng tạo ở Úc, còn tôi phải hoàn thành nghiên cứu cho tấm bằng Tiến sĩ. Mặc dù Sameeha và tôi đều có đủ các giấy tờ và visa để rời Gaza, việc ra khỏi biên giới Gaza một lần nữa vẫn là trở ngại lớn.  Chúng tôi tiếp tục lại kháng cáo lên Gisha để hỗ trợ nhưng cả hai đều bị từ chối không vì lí do gì. Tiếp đến, với sự hỗ trợ của người bạn là nhà báo người Úc, chúng tôi mới có thể kiến nghị lên Lãnh sự quán Úc để nhờ can thiệp. Thủ tục hành chính quan liêu là vấn đề hầu như mọi sinh viên ở Gaza đều gặp phải trong lúc nộp đơn.

Cơ hội được học tập ngoài Gaza mở ra cho tôi một thế giới khác hơn và rộng mở hơn. Nó cũng giúp tôi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và nghề nghiệp với các bạn chung lớp đến từ các nền văn hóa và các quốc gia khác nhau. Hơn nữa, du học cũng đưa đến cho tôi cơ hội trải nghiệm các hình thức giáo dục khác nhau, điều mà tôi sẽ không bao giờ được tiếp xúc nếu còn ở nhà và đối mặt với hàng loạt hạn chế trong giáo dục ở Gaza. Du học cũng là phát triển bản thân và khám phá bản thân. Tất cả những trải nghiệm này đã hỗ trợ tôi trong việc đảm nhận một vai trò có tính xây dựng hơn cho cộng động của mình. Đó cũng là điều cơ bản cần thiết cho sự phát triển của Gaza nếu các học sinh được hưởng quyền được giáo dục một cách đầy đủ.

Sameeha và tôi may mắn là hai trong số những sinh viên rời Gaza để theo đuổi con đường học vấn cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó hàng trăm sinh viên  phía sau biên giới và các trạm kiểm soát ở Gaza, bị tước quyền tự do đi lại và trong đó, có quyền được giáo dục của họ.

Thông tin về tác giả bài viết: 

Ayman Qwaider, 27 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Dải Gaza. Ayman đã hoàn thành bằng Thạc sĩ Quốc tế về Nghiên cứu Hòa bình, Xung đột và Phát triển ở Tây Ban Nha. Hiện anh sống ở Úc với vợ mình, Sameeha, người vừa được trao Học bổng Tiến sĩ tại Perth, Úc. Ayman hiện đang thực hiện nghiên cứu tiến sĩ về chính sách giáo dục và cải cách xã hội.

Leave a comment