Tại sao Giáo dục Hòa bình lại cấp thiết hơn bao giờ hết?

Nguồn: GPPAC – Đăng ngày 24/01/2022

Tác giả: Jennifer Batton và Gary Shaw

Biên dịch: Roãn Hồng Anh Thư – Biên tập: Phan Trà Khúc

Sau gần hai năm học tập trong một thế giới phải tuân thủ nhiều chỉ thị liên quan đến COVID-19, hàng triệu học sinh đang được quay trở lại trường. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, với những trải nghiệm học tập từ xa và học hành gián đoạn đã làm gia tăng sự bất bình đẳng, sự cô lập và căng thẳng đã có từ trước. Tác động này sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho những nhà giáo dục khi việc trở về trạng thái “bình thường cũ” là điều không thể, trừ khi chúng ta tác động mạnh mẽ vào giáo dục hòa bình và nâng cao năng lực Cảm xúc – Xã hội (Social-Emotional Learning). 

Giai đoạn Tiền COVID-19: Môi trường học tập bất bình đẳng

Trước khi đại dịch COVID-19 tác động lên tất cả các châu lục, thế giới đã tụt lại phía sau trong việc đạt được mục tiêu đầy tham vọng về giáo dục hoà nhập chất lượng, hay còn được gọi là Mục tiêu Phát triển bền vững thứ tư. Điều này càng thể hiện sâu sắc hơn tại các quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi những xung đột và chiến tranh. Ví dụ như tại Moldova và khu vực ly khai Transnistria, những trẻ em lớn lên ở hai bên bờ sông Dniester thiếu sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau vì chúng không được phát triển trong một môi trường giáo dục thúc đẩy văn hóa cộng đồng, hòa bình và bất bạo động.

Thảm họa thế hệ: Trải nghiệm học tập và phát triển bị gián đoạn 

Với một môi trường giáo dục vốn đã mang nhiều thách thức với những tình huống dễ gây tổn thương, COVID-19 đã làm gia tăng thêm căng thẳng và cướp đi hàng triệu cơ hội học tập của các trẻ em. Điều này càng đúng hơn với những bạn học sinh không có đủ khả năng để tiếp cận phương pháp học tập từ xa. Như một lẽ đương nhiên, cả giáo viên và học sinh phải đối diện với những thách thức tâm lý-xã hội hết sức to lớn bắt nguồn từ việc cách ly xã hội cũng như tiếp cận công nghệ và việc học tập gián đoạn. 

Có nhiều thách thức về mặt tâm lý-xã hội này bao gồm việc gia tăng căng thẳng và lo âu, sự mất lòng tin và sự tự tin cũng như việc bị bắt nạt trực tuyến. Các giáo viên vừa phải chật vật trong việc hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho học sinh nhưng cũng vừa phải tìm kiếm những phương pháp để xây dựng lại thói quen học tập hiệu quả và chú trọng vào sức khỏe tinh thần cũng như không gian học tập tích cực. Dù rằng các giáo viên thông thường đều không nhận được một chương trình đào tạo bài bản để đưa ra những điều kiện hỗ trợ về mặt tâm lý-xã hội cho học sinh của mình. 

Nghiên cứu cho thấy sự căng thẳng, không tin tưởng và định kiến dành cho ‘người khác’ được xem là những tác nhân xung đột, có thể dẫn đến bạo lực, bất công xã hội và xem thường quyền con người. Chúng có khả năng khiến cho con người lựa chọn bạo lực thay vì đối thoại hòa bình; nhận xét gây thù hằn và tổn thương thay vì hỗ trợ và khích lệ. 

Giai đoạn Hậu COVID-19: Từ Giáo dục bị gián đoạn hướng đến Phục hồi dựa trên Giáo dục Hòa bình

Trường học bắt đầu mở cửa đón học sinh là một cơ hội để thiết lập lại môi trường học tập mà mỗi học sinh đều cảm thấy an toàn, bất kể là học trực tiếp hay trực tuyến. Tuy nhiên, để điều này thành hiện thực, các trường học cần phải tập trung khắc phục những thiệt hại về mặt tâm lý – xã hội đến từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và xung đột. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được thông qua việc tập trung vào giáo dục hòa bình. Việc nâng cao năng lực về Cảm xúc – Xã hội cũng có thể đóng góp một cách đáng kể vào việc sửa chữa và phục hồi các cộng đồng trường học bị ảnh hưởng bởi học tập gián đoạn. 

Giáo dục Hòa bình chính là “Giảng dạy vì Hòa bình.” Giáo dục Hòa bình được giảng dạy thông qua các chương trình khám phá các nguyên tắc và giá trị dành riêng cho việc đạt được xã hội hòa bình, hòa nhập, bền vững và công bằng hơn. Các phương pháp Giáo dục Hòa bình thường lấy học sinh làm trung tâm, có sự tham gia và hợp tác, trong đó chú trọng phát triển những kiến thức, kỹ năng và khả năng lắng nghe, đồng cảm và lòng trắc ẩn. Giáo dục Hòa bình sẽ giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về nguyên nhân và tác động của các tương tác xã hội có hại, cũng như các kỹ năng can thiệp để phá vỡ chu kỳ xung đột và bạo lực như bắt nạt. Đồng thời, các giáo viên được đào tạo về Giáo dục Hòa bình có thể tạo ra và duy trì môi trường lớp học hợp tác và mang tính xây dựng.

Giáo dục nâng cao năng lực Cảm xúc – Xã hội (Social-Emotional Learning) là một phương pháp giáo dục hòa bình hỗ trợ học sinh có thêm những hiểu biết về sự khác biệt, quản lý cảm xúc, tăng cường sự đồng cảm, nâng cao năng lực và khả năng lắng nghe tích cực để làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề và lắng nghe góc nhìn, quan điểm của nhau – thiết lập một nền tảng để sống cùng nhau.

Giáo dục hòa bình thực sự hoạt động và mang lại những ảnh hưởng: chúng tôi đã làm việc này trong nhiều năm nay!

Trong hơn 15 năm, chúng tôi tại GPPAC (ND: Tổ chức toàn cầu về ngăn ngừa xung đột vũ trang) đã hợp tác với các trường học, giáo viên, các bộ và khối xã hội để đưa giáo dục hòa bình vào chương trình giảng dạy và phát triển các khóa học giáo dục hòa bình cho cả người trẻ lẫn người cao tuổi, tùy theo từng bối cảnh và nhu cầu cụ thể của từng địa phương. Ví dụ như:

Tại Serbia, Montenegro, Úc, Kyrgyzstan, Mỹ và Afghanistan, chúng tôi đã hỗ trợ tích hợp các kỹ năng Học tập về Cảm xúc-Xã hội vào chương trình giảng dạy tại trường học.

Tại Colombia và Peru, chúng tôi đã đóng góp vào việc thiết kế các chính sách công của quốc gia về giáo dục Cảm xúc – xã hội và quyền công dân.

Tại Bosnia, chúng tôi đã cung cấp chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho Bộ Giáo dục Bosnia trong hơn 20 năm.

Những thành công như vậy càng chứng tỏ việc thúc đẩy giáo dục hòa bình là cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi đối mặt với đại dịch toàn cầu đã và đang diễn ra. Với phương pháp này, các học sinh và sinh viên ngày nay – những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 – sẽ được trang bị các kiến ​​thức, kỹ năng và năng lực để hỗ trợ cộng đồng của họ vì một ngày mai tốt đẹp hơn.

Leave a comment