Định lượng – một hành trình mong mỏi của loài người

James Vincent nói về những động lực, những hệ quả đằng sau câu chuyện của những phương cách định lượng.

Nguồn: The EconomistĐăng ngày: 26/11/2022

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Như Phương

Hãy tưởng tượng về một người tù sau những chấn song, đang gợi tả từng ngày thiên thu của mình bằng những vết gạch lên tường. Tập hợp của bốn đường thẳng và một đường chéo này có một lịch sử lâu đời. Chúng được phát hiện lần đầu từ xương của một con chó sói từ 30.000 năm trước, được khai quật tại địa phận của Cộng hòa Séc hiện nay. Chúng ta sẽ chẳng thể biết được những vết gạch này đánh dấu điều gì. Song đây hẳn là một minh chứng xa xưa về một tạo tác từ tự nhiên, được trừu tượng hóa bằng kinh nghiệm của loài người, thể hiện ý nghĩa và ý định kiểm đếm. Nói cách khác, nó là một phương pháp định lượng.

Mối tương quan giữa đo đạc, tự nhiên và những ý niệm trừu tượng là một mảnh ghép trong lịch sử loài người. Trong nhiều thế kỷ, bộ phận cơ thể đã được coi là công cụ đo lường hữu ích: một lóng tay (inch), một sải tay (fathom) hay một bàn chân (foot). Nhưng nhiều đơn vị mang tính linh hoạt. Một diện tích đất có thể được tính bằng số lượng khẩu phần mà mảnh đất đó có thể cung cấp. Đối với những người Saami ở Bắc Âu, một poronkusema được đo bằng khoảng cách mà một con tuần lộc có thể đi được trước khi nó đi tiểu.

Nguồn ảnh: The Economist/Alamy

Những cách đo lường như vậy thay đổi theo không gian, và dường như có ít mối liên hệ với cách tính bằng khắc xương. Nhưng nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử của James Vincent đã làm rõ về mối quan hệ này. Lịch sử bắt đầu từ việc, loài người là sinh vật biết lập danh sách. Từ “các phạm trù” (categories) của Aristotle tới phân loại học của Linnaean, có thể thấy con người không phải theo thiên hướng tổng hợp, mà là giống loài của những chia tách, mãi tìm kiếm cách phân tích và định lượng thế giới.

Những giáo sỹ thời Trung cổ định lượng thời gian trong ngày bằng những lời cầu nguyện, từ đó làm nên chiếc đồng hồ cơ học đầu tiên. Theo Vincent, chia tách các ngày là cách để đo thời gian, và đo lường, là nền tảng của nhận thức. Mặt khác, nó cũng là một hiện tượng chính trị. Trọng lượng và thước đo chính xác thường xuyên xuất hiện trong lịch sử cổ đại như là hiện thân của trật tự xã hội, từ bộ luật Hammurabi ở Babylon đến Talmud và Kinh thánh, những văn bản đề cập về định lượng nhiều hơn là bài học từ bi.

Các nhà lãnh đạo của Cách mạng Pháp cũng say sưa với quyền lực xã hội mà định lượng có thể mang lại, tới nỗi họ thực hiện một dự án toàn năng: quy đổi đo lường sang đơn vị mét (metrification). Họ sắp xếp một phần tư triệu đơn vị đã biết thành một hệ thống cố định, được thập phân hóa, “cho mọi thời đại và cho mọi dân tộc”, thể hiện những lý tưởng của chủ nghĩa Khai sáng thông qua thang đo và thước dây. Một cách đương nhiên, trước tiên họ quy chiếu về tự nhiên, định nghĩa một mét bằng một phần mười triệu chiều dài của một phần tư kinh tuyến chạy qua Paris. 

Dự án khảo sát kéo dài nhiều năm là một sự trừu tượng táo bạo từ kinh nghiệm của loài người. Nhưng khối kim loại platinum một mét này cũng đồng thời phản ánh một sự thật mà Vincent cho rằng là cốt lõi: sự đo lường của con người hàm chứa cả những thành kiến và điều nực cười. Bởi vì Trái Đất không phải là một hình cầu hoàn hảo, nên những ước tính về độ dài của kinh tuyến có thể bị thay đổi theo vĩ tuyến. Và một trong những công cụ của người khảo sát có một sơ suất nhỏ và bị ngó lơ.

Sẽ không có vấn đề gì nếu tiêu chuẩn đã được định nghĩa nhận được đồng thuận của tất cả mọi người. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn không dành cho tất cả mọi người một cách bình đẳng và chúng có thể áp đặt sự kiểm soát xã hội cũng như trật tự viện trợ. Những cuộc khảo sát quy mô lục địa ban đầu của Châu Mỹ, được thực hiện bằng cách sử dụng các chuỗi dài 66 đơn vị bàn chân (foot), đã tạo ra các bản đồ với những đường thẳng. Chúng rất hữu ích cho những người thu thuế nhưng lại phủ bóng tối lên những ngọn núi, hẻm núi và những biến thể địa lý hoang dã khác, chưa kể đến những người bản địa sở hữu vùng lãnh thổ bị xóa sổ.

Sau đó, con người có một xu hướng khác mạnh mẽ hơn là bản thân công việc đo lường: thói quen. Máy đếm thập phân của Pháp thất bại đi cùng với đồng hồ mười giờ của họ; công nhân coi thường tuần làm việc mười ngày họ đang theo. Vincent lần theo dấu vết của sự phản kháng lâu dài đối với hệ thống đo lường, qua cuộc gặp gỡ một nhà hoạt động ở Anh, người đã quy chiếu các đơn vị đo lường lên trên các ký hiệu hệ mét. Hơn nữa, việc định lượng đôi khi đi quá xa. Những người theo chủ nghĩa ưu sinh (là phong trào xã hội về sinh học, ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gen di truyền của con người vào những thập niên đầu thế kỷ 20 – ND), những người bị mê hoặc bởi những số liệu thống kê không có thật, đã ủng hộ việc triệt sản cưỡng bức là ví dụ khủng khiếp nhất. Ngoài ra có thêm những ví dụ khôi hài khác. Charles Piazzi Smyth, một nhà thiên văn học người Scotland ở thế kỷ 19, đã viết một tác phẩm gồm ba cuốn sách về cách đo Đại kim tự tháp Giza bằng cách sử dụng một “cubit hoàng gia” để dự đoán tương lai.

Thật dễ dàng để chỉ trích những người theo thuyết ưu sinh hoặc chế giễu những người theo thuyết kim tự tháp ở thời đó. Nhưng ngày nay, phong trào “định lượng bản thân” (qualified self), vốn tràn ngập dữ liệu thu thập từ đồ dùng cá nhân có sức mạnh dự đoán, cũng có thể bị hứa hẹn quá mức. Các phong trào ở mỗi thời đại thì có thể trở nên ngớ ngẩn, còn các phép đo lường, về bản chất, luôn chứa đựng sự khôn ngoan của loài người. Dù vậy, giống như tổ tiên ở thời săn bắn hái lượm, thời đại những người đeo đồng hồ thông minh chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục hành trình này.

Leave a comment