Thách Thức Tương Lai Đối Với Khu Vực Giáo Dục Đại Học Châu Âu (EHEA)

Ngày đăng: 04/12/2021 – Nguồn: Universityworldnews

Biên dịch: Lê Thị Mai Chi – Biên tập: Uyên Thanh 

Ra đời vào năm 1999, Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu (EHEA) đang dần chạm mốc 30 tuổi đời. Đó là cuộc hành trình xứng đáng để khu vực chung này thực hiện hai bài tập nhỏ: 

  • Cùng nhìn lại những gì EHEA đã làm để đạt được vị trí như ngày hôm nay
  • Xác định và chuẩn bị cho những thử thách mà EHEA có thể đối mặt trong những năm tiếp theo 

EHEA ra đời trong bối cảnh chính trị đặc trưng của Châu Âu những năm 1990 với nhiều chuyển biến quan trọng mà đại diện là sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Sự sụp đổ này cũng đã đặt dấu chấm hết cho chế độ đã xây dựng và duy trì bức tường vì họ muốn ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây lên người dân, đồng thời muốn những người dân của mình “yên vị” và không đụng gì đến chế độ. . 

Bức tường Berlin sụp đổ đã dẫn đến sự ra đời của một nền dân chủ với hệ thống luật pháp và thể chế mới cũng như các cuộc bầu cử cạnh tranh. Tuy nhiên, sự lạc quan trong những năm đầu 1990 đã giảm bớt khi người ta nhận thấy rằng nền dân chủ đích thực đòi hỏi nhiều thứ hơn là các thể chế, luật pháp và các cuộc bầu cử. Nó (nền dân chủ – ND) đòi hỏi một nền văn hoá dân chủ, mà trước hết phải được phát triển thông qua giáo dục.

Nhu cầu về một xã hội bền vững, điều ít hiện diện trong chương trình nghị sự chính trị đầu những năm 1990 so với hiện nay, có thể đạt được nếu xã hội dân chủ và giáo dục đại học có kế hoạch phát triển bền vững.

Sự sụp đổ của Bức tường Berlin cũng tạo ra khả năng hợp tác của Châu Âu theo đúng nghĩa của từ này, tức là toàn bộ lục địa, điều khó có thể hình dung được vào cuối những năm 1980.

Khả năng hợp tác trên khắp Châu Âu bắt nguồn từ những bối cảnh cụ thể nhưng một phần cũng là do quá trình toàn cầu hoá ngày càng tăng. Toàn cầu hoá không phải là một hiện tượng mới, nhưng tốc độ của quá trình này đã tăng đáng kể, với sự tập trung vào tính di động có tổ chức hơn là cá nhân.

Bất chấp các chương trình lâu đời như học bổng Marshall hay chương trình Fulbright, chương trình Erasmus ra đời vào năm 1987 đã cho thấy một chỉ báo mạnh mẽ nhất cho sự thay đổi này. Các chương trình trao đổi khu vực như NordplusCEEPUS là một phần tương tự của xu hướng này.

Trong những năm 1990, cũng có những lo ngại sâu sắc về việc liệu Giáo dục Đại học Châu Âu có còn hấp dẫn như trước đây hay không. Những lo ngại này bắt nguồn từ báo cáo Attali 1998, có tác động trực tiếp đến việc thành lập Tiến trình Bologna (Bologna Process).

Những lo ngại này cũng thường xuyên được các nhà tuyển dụng bày tỏ và “khả năng được tuyển dụng (employability)” đã trở thành một thuật ngữ quan trọng trong cuộc tranh luận về giáo dục đại học châu Âu. Các chức năng xã hội của giáo dục đại học ít được đề cập trong cuộc tranh luận này.

Tiến trình Bologna

Tiến trình Bologna được ra mắt vào năm 1999, là giải pháp trọng yếu cho những mối bận tâm kể trên của các bộ trưởng Châu Âu chịu trách nhiệm về  Giáo dục Đại học. Mục tiêu của tiến trình này là thiết lập một Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu “trong thập kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ ba” (Theo Tuyên bố  Bologna).

Nguồn ảnh: Internet

Cải cách cơ cấu là một phần trọng tâm của quy trình. Cụ thể, một hiệp ước châu Âu mới t giúp việc công nhận trình độ công bằng trở nên dễ dàng hơn đã được thiết lập thông qua Công ước Công nhận Lisbon (Lisbon Recognition Convention) của Hội đồng Châu Âu UNESCO năm 1997. Trong khi đó, hai phần khác của chương trình cải cách cơ cấu EHEA năm 1999 là đảm bảo chất lượng và khung tham chiếu trình độ đào tạo, lại không quá nổi bật. Bởi lẽ, vẫn còn tranh luận về việc liệu có cần một hệ thống đảm bảo chất lượng chính thức hay không trong khi các khung tham chiếu trình độ đầu tiên được phát triển không phải ở Châu Âu mà ở Úc, New Zealand và Nam Phi.

Cả hai lĩnh vực chính sách (đảm bảo chất lượng và khung tham chiếu trình độ) nhanh chóng trở thành một phần của chương trình nghị sự EHEA đồng thời, Hướng dẫn và Tiêu chuẩn về Đảm bảo chất lượng trong Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu (Standards and Guidelines for Quality Assurance in the European Higher Education Area – ESG) và i Khung tham chiếu trình độ Giáo dục đại học toàn tiện Khu vực Châu Âu (QF-EHEA) cũng được thông qua vào năm 2005;  ESG đã được sửa đổi 10 năm sau đó.

Đặc biệt, QF-EHEA là một phần quan trọng trong nỗ lực giảm tỷ lệ bỏ học bằng cách đưa ra một  khung tham chiếu trình độ ba bậc ở tất cả các quốc gia EHEA.

Ngày nay, chúng ta có thể xem hệ thống đào tạo thứ bậc Cử nhân-Thạc sĩ-Tiến sĩ như một điều hiển nhiên nhưng trước đây, trong những ngày đầu tiên áp dụng Tiến trình Bologna, việc cải cách hệ thống bằng cấp như trên lại hứng chịu chỉ trích tại nhiều quốc gia.

Một phản ứng khác nổi lên liên quan đến trình độ ngắn hạn, được thảo luận chính tại hội nghị Bộ trưởng Bergen năm 2005 khi QF-EHEA được thông qua.

Một bộ trưởng thậm chí còn khẳng định rằng không thể xem chương trình đào tạo dưới ba năm như một chương trình  Giáo dục Đại học hoàn chỉnh. Ngay cả khi các bộ trưởng khác chấp nhận rằng trình độ ngắn hạn có thể được đưa vào khung chương trình quốc gia như bậc đào tạo đầu tiên, thì phải đến năm 2018, trình độ này mới  được đưa vào QF-EHEA như một bằng cấp độc lập.

Mặc dù trọng tâm của EHEA là cải cách cơ cấu, nhưng các lĩnh vực chính sách khác cũng khá nổi bật. Mong muốn tăng tính di động trong học tập là khởi sự cho Chiến lược Di động (Mobility Strategy) cũng như mục tiêu “ít nhất 20% sinh viên tốt nghiệp trong Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu có thời gian học tập hoặc đào tạo ở nước ngoài vào năm 2020”.

Hiện nay, sự vững chắc của hợp tác toàn cầu là một trong những mối quan tâm của EHEA. Đặc biệt, khía cạnh xã hội của giáo dục đại học đã trở nên nổi bật, thông qua áp dụng các Nguyên tắc và Hướng dẫn để Tăng cường Khía cạnh Xã hội của Giáo dục Đại học (Principles and Guidelines to Strengthen the Social Dimension of Higher Education) trong EHEA năm 2020. Nguyên tắc và Hướng dẫn này được coi là chính sách mạnh mẽ nhất cho đến nay.

Covid 19

Đại dịch COVID 19 có tác động mạnh mẽ đến giáo dục như các lĩnh vực khác. Như đã nhấn mạnh trong tuyên bố chính trị của Hội đồng châu Âu và Lộ trình hành động về ứng phó giáo dục với COVID-19, chúng ta không được để cuộc khủng hoảng y tế biến thành khủng hoảng dân chủ và giáo dục, bởi đó là chìa khóa để làm cho xã hội của chúng ta bền vững và kiên cường.

Mặc dù phản ứng ban đầu đối với đại dịch của các trường học, cơ sở giáo dục đại học, sinh viên và giáo viên cũng như các cơ quan nhà nước trong hầu hết các trường hợp là thuyết phục, nhưng cũng cần thiết có các biện pháp ứng phó. Trong thời đại hợp tác quốc tế ngày càng tăng, có một nghịch lý là phản ứng COVID ban đầu chủ yếu là quốc gia chứ không phải châu Âu hay toàn cầu. Chương trình trao đổi học thuật là một trong những lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại ngoài ý muốn nhất.

Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng COVID, để đưa ra các chiến lược ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, bao gồm cả khủng hoảng sức khỏe, điều mà đáng tiếc là chúng ta chưa vạch rõ ở quá khứ. Những chiến lược như vậy phải bao gồm các biện pháp duy trì hợp tác quốc tế trong trường hợp việc đi lại có thể phải hạn chế đáng kể. Các chiến lược cũng nên tính toán đến cách kết hợp tốt nhất các phương thức học tập và giảng dạy khác nhau.

Trong khi trước cuộc khủng hoảng COVID, có một số lo ngại về việc liệu giáo dục đại học có tận dụng hết các lựa chọn trực tuyến hay không thì lo ngại bây giờ lại là, liệu có đủ sự tương tác trực tiếp giữa sinh viên và giáo viên hay không. Một cơ sở giáo dục chất lượng cao sẽ cần phải tìm sự cân bằng hợp lý giữa việc học và giảng dạy trực tuyến và trực tiếp trong tương lai.

Những thách thức phái đối mặt năm 2030

Ứng phó với COVID-19 và các cuộc khủng hoảng khác chắc chắn sẽ là một trong những thách thức mà chúng ta tiếp tục phải đối mặt trong thập kỷ tới. Những thách thức này là quá nhiều để tính toán một cách thấu đáo, nhưng chúng bao gồm ít nhất các yếu tố sau.

Cấu trúc giáo dục rất quan trọng, và như chúng ta đã thấy, cải cách cơ cấu của các hệ thống giáo dục cho đến nay là đặc điểm nổi bật nhất của EHEA. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhớ rằng bản thân các cấu trúc không phải là mục tiêu, mà chúng là phương tiện để đạt được mục tiêu.

Những cải cách cơ cấu của EHEA phần lớn nhằm giảm tình trạng bỏ học và làm cho giáo dục đại học phù hợp hơn với thị trường lao động và EHEA đã khá thành công về mặt này. Tuy nhiên, các cơ cấu cần được xem xét lại nếu chúng không còn đáp ứng mục đích hoặc nếu có các mục tiêu mới được xác lập. Có thể còn quá sớm để nói liệu điều này có xảy ra khi chúng ta đến gần năm 2023 hay không, nhưng chúng ta phải sẵn sàng trước khả năng xảy ra đó. Trong khi “khả năng được tuyển dụng” có lẽ là thuật ngữ xuất hiện thường xuyên nhất trong cuộc tranh luận về giáo dục đại học tại thời điểm Tiến trình Bologna được đưa ra, thì bây giờ “chất lượng” cũng phổ biến không kém.

Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận họ hoạt động vì chất lượng giáo dục hoặc công khai tuyên bố rằng họ chỉ hướng đến mục tiêu xếp thứ hai hay thứ ba về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, có rất ít sự cân nhắc về ý nghĩa của từ “chất lượng”. Các ngành học hẳn sẽ có các tiêu chuẩn riêng của chúng, nhưng thật sự, chúng ta cũng không có quan điểm rõ ràng về những gì mình sẽ đạt được thông qua  giáo dục đại học nói chung.

Chất lượng phải được đánh giá liên quan đến các mục tiêu mà chúng ta tìm cách đạt được. Một cơ sở giáo dục có mục tiêu là cung cấp các chương trình cấp bằng Cử Nhân và Văn bằng hai dành cho sinh viên từ một khu vực cụ thể của đất nước thì không thể được đánh giá theo các tiêu chí được sử dụng cho một trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Do đó, chất lượng giáo dục đại học phải được đánh giá liên quan đến mức độ:

  • Chuẩn bị cho sinh viên tham gia thị trường lao động. 
  • Chuẩn bị cho họ cuộc sống như những công dân tích cực trong các xã hội dân chủ. 
  • Thúc đẩy sự phát triển cá nhân. 
  • Phát triển và duy trì một nền tảng kiến thức sâu rộng, tiên tiến.

EHEA được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và cộng đồng học thuật của các tổ chức giáo dục đại học, giảng viên và sinh viên. Giáo dục đại học không thể được tiến hành hoặc cải cách chỉ từ các văn phòng bộ, mà còn từ các cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm về hệ thống giáo dục và khuôn khổ mà các tổ chức giáo dục, giảng viên và sinh viên học tập và làm việc.

Một trong những thành tựu của EHEA là, ngay cả khi quan điểm của họ không phải lúc nào cũng đồng nhất, đại diện của các tổ chức giáo dục, giảng viên và sinh viên cũng đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc phát triển “Bologna”. Sự hợp tác này cũng rất quan trọng đối với những gì có thể là thách thức lớn nhất trong thập kỷ tới. Các giá trị cơ bản của EHEA – tự do và liêm chính trong học thuật, quyền tự chủ thể chế, sự tham gia của giảng viên và sinh viên vào quản trị giáo dục đại học, và trách nhiệm công cộng đối với giáo dục và của giáo dục – từ lâu đã được coi là điều đương nhiên, nhưng dần được chú trọng trong năm hoặc sáu năm qua. Lý do là vì ngày càng có nhiều thành viên EHEA chú trọng đến các giá trị này, thay vì chỉ có ba thành viên Hungary, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ, như Báo cáo Hoạt động 2018 đã chỉ ra.

Khi tôi viết những dòng này, Nhóm Follow-up Bologna (BFUG) đang xem xét một đề xuất rằng vị trí đồng chủ tịch BFUG của Belarus, dự kiến vào mùa thu năm 2022, sẽ bị đình chỉ – ít nhất là trong thời gian làm việc hiện tại. Lý do là vì nước này đang đối mặt với sự truy cứu trách nhiệm về việc đàn áp sinh viên và nhân viên giáo dục đại học sau thất bại của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8 năm 2020. Cuộc thảo luận về đề xuất này chỉ nhận được tương đối ít sự ủng hộ của các thành viên EHEA, tương tự như một tuyên bố về tình hình ở Belarus do các đồng chủ tịch BFUG khi đó là Đức và Vương quốc Anh trình bày vào tháng 11/2020. Điều này cho thấy thách thức lớn nhất mà EHEA phải đối mặt trong thập kỷ hiện diện thứ 3 của mình có lẽ là việc bảo vệ các giá trị do tổ chức này đã xây dựng trong bối cảnh của sự phản ứng chống lại nền dân chủ đang diễn ra mạnh mẽ ở châu Âu.

Leave a comment