Giáo dục thế hệ tương lai: Cách Gen Z tiếp thu kiến thức 

Nguồn: Chalk; Đăng ngày 23/03/2022

Tác giả: Chalk

Biên dịch: Roãn Hồng Anh Thư – Biên tập: Yên Du

Gen Z là thế hệ lớn lên trong một thế giới có sự kết nối mạnh mẽ của Internet, và họ gần như không thể nhớ được cuộc sống thiếu Internet là như thế nào. Gen Z được biết đến với những đặc điểm như làm việc chăm chỉ, không thích rủi ro và có tính độc lập cao. Tính đến hiện tại, có đến 2,47 tỷ người thuộc thế hệ Gen Z, tương đương 32% dân số thế giới, và họ chiếm đa số trong các học sinh đang theo học tại hệ thống các trường từ mẫu giáo đến trung học của nước Mỹ hiện tại. Và với những đặc tính của thế hệ này, liệu rằng việc giảng dạy Gen Z có khó khăn hơn so với các thế hệ đi trước hay không?

Cũng giống như các thế hệ khác, Gen Z sở hữu một số đặc điểm nhất định, đặc biệt là về mặt học tập. Các lớp học của thế hệ này rất khác so với đàn anh đàn chị đi trước. Nguồn thông tin và tài liệu mà Gen Z có thể truy cập được cũng khác so với các thế hệ trước. Gen Z có khả năng tiếp thu và áp dụng lượng thông tin đó theo cách mà thế hệ Thiên niên kỷ hay Gen X chưa từng ngờ đến (ít nhất là khi họ còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường). 

Vậy làm cách nào để chúng ta chắc chắn rằng chúng ta đang hỗ trợ Gen Z học tập hiệu quả nhất có thể? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đào sâu hơn vào đặc điểm của Gen Z, những xu hướng đã và đang diễn ra cũng như những giải pháp mà chúng ta có thể dùng trong lớp học để hỗ trợ các bạn học sinh Gen Z này có thể tiến xa nhất trong con đường học tập của họ.

Nguồn: University of Massachusetts Global

Sơ lược về các đặc điểm của Gen Z

Không phải tất cả mọi người đều tán thành với việc gọi thế hệ này là Gen Z, nhiều cái tên khác được đề xuất như Zoomers, thế hệ Công nghệ, Hậu Thiên niên kỷ hay iGeneration. Mặc dù có nhiều quan điểm phân biệt Gen Z dựa trên năm sinh, tuy nhiên, khá hợp lý nếu chúng ta xếp những người sinh ra vào cuối những năm 1990 đến khoảng giữa của những năm 2010 thuộc Gen Z. 

Chúng ta đã thống nhất ý kiến về những đặc điểm nào của Gen Z? Một số nghiên cứu về thế hệ này đã tìm thấy một số xu hướng, đặc biệt liên quan đến không gian lớp học của Gen Z: 

Gen Z là một thế hệ sành sỏi với kỹ thuật số khi là lứa đầu tiên lớn lên cùng với Internet, chơi game trên máy tính hay chạm vào những chiếc điện thoại thông minh. Và gần như không có ai trong thế hệ này có thể nhớ về cuộc sống không có công nghệ, bởi công nghệ đã là một phần trong cuộc sống thường ngày của họ chứ không còn đơn thuần là một công cụ để sử dụng nữa. Với Gen Z, gần như không có sự tách biệt giữa trải nghiệm trong cuộc sống thực tế và trải nghiệm trực tuyến. 

Gen Z là một thế hệ có nhiều tương tác trực tuyến và thông qua các mạng xã hội để kết nối, để xem, đọc, lắng nghe, chơi cũng như chia sẻ. Các nền tảng phổ biến nhất vẫn luôn thay đổi và dịch chuyển theo thời gian. Tuy nhiên, ở hiện tại, chúng ta có thể ước chừng các học sinh dành khoảng 6 giờ trong một ngày trên các nền tảng như Snapchat, TikTok, Instagram hay YouTube. 

Gen Z cũng muốn có những tương tác trực tiếp. Mặc dù họ là những học sinh gắn liền với công nghệ và phần lớn cuộc sống xã hội của họ được diễn ra trực tuyến, tuy nhiên, thế hệ này cũng rất trân trọng giá trị của những tương tác trực tiếp giữa người với người cũng như cộng tác với nhau. Lấy ví dụ trong một lớp học, có thể dễ dàng nhận thấy 57% học sinh dành sự ưa thích hơn đối với các hoạt động tương tác trực tiếp, trong khi con số này ở thế hệ Thiên niên kỷ chỉ dừng lại ở mức 47%. 

Gen Z mong muốn có những trải nghiệm được cá nhân hóa tùy theo nhu cầu. Khi họ muốn xem một bộ phim, Netflix sẽ là một sự lựa chọn tốt. Khi họ muốn mua gì đó, cái tên mà họ nghĩ đến sẽ là Amazon. Phần lớn cuộc sống của Gen Z đều được cá nhân hóa thông qua các thuật toán trên các nền tảng trực tuyến nhằm đưa ra nội dung thông tin gần với những lĩnh vực họ quan tâm cũng như đưa ra sản phẩm gợi ý phù hợp với nhu cầu mà họ đang tìm kiếm.

Gen Z có khả năng tập trung ngắn hơn. Theo nghiên cứu, khoảng thời gian tập trung trung bình của Gen Z chỉ khoảng 8 giây, trong khi của thế hệ Thiên niên kỷ là 12 giây. Một trong những lý do cho sự sụt giảm thời gian tập trung này là sự chiếm lĩnh của các dịch vụ theo yêu cầu và sự phổ biến của điện thoại thông minh. 

Gen Z rất thực tế. Họ đánh giá cao sự độc lập và tự túc, đặc biệt khi nói về phương pháp học tập theo định hướng cá nhân. Họ thường sẽ tìm kiếm một đoạn video trên Youtube để tự học một kỹ năng mới hay tìm cách giải thích mới cho một chủ đề nhất định. Chính thái độ này đã dẫn đến những vấn đề phát sinh liên quan đến tiền bạc cũng như các vấn đề xã hội khác. 

Bạn có thể tìm thấy một vài học sinh trong lớp của bạn khá khác biệt so với những đặc điểm về Gen Z được đề cập bên trên. Tuy nhiên, hãy nhìn nhận việc khái quát hóa bên trên chỉ là một công cụ để hiểu và xác định một số xu hướng phổ biến đã và đang diễn ra bên trong lớp học của bạn. 

Cách Gen Z học tập 

Mặc dù thế hệ Thiên niên kỷ cũng lớn lên cùng với sự phát triển của công nghệ, tuy nhiên điểm khác nhau mấu chốt là nằm việc thế hệ này không phải lúc nào cũng bị bao vây bởi công nghệ. Thế hệ này thuộc giai đoạn chuyển tiếp giữa analog và kỹ thuật số. Lớp học của họ được vận hành với những quyển sách giáo khoa và các viên phấn mà không phải là bảng thông minh hay máy tính bảng. Chính vì thế, việc Gen Z có phương pháp học tập khác cũng là một điều dễ hiểu. 

Vậy việc học của Gen Z trông như thế nào trong thực tế? Hãy cùng tìm hiểu những phương pháp tận dụng được lợi thế đối với các đặc điểm của Gen Z cũng như giúp việc giảng dạy thế hệ này trở nên dễ dàng hơn. 

Học tập thông qua thực hành

Hãy thâm nhập thực tế và tự mình trải nghiệm! Gen Z rất mong muốn được đối diện với các thử thách trong một môi trường mà họ có thể tự do nghiên cứu, được đưa ra quyết định cũng như thực hiện hành động. Đối với họ, việc được trải nghiệm thực tế không chỉ làm cho việc học hiệu quả hơn mà còn giúp cho quá trình này trở nên vui và gắn kết hơn. 

Không có gì bất ngờ khi 64% Gen Z bình chọn phương pháp thảo luận có tương tác trong lớp học và 60% bình chọn phương pháp cùng giải quyết vấn đề là những công cụ học tập hiệu quả nhất. Trong khi đó, chỉ có 38% đánh giá cao việc học thông qua việc sử dụng thị giác (như đọc các tài liệu) và 12% coi trọng việc học thông qua việc sử dụng thính giác (như bài giảng trên lớp học).

Học tập thông qua video

Thế hệ học sinh ngày nay cảm thấy bị quá tải đối với việc dùng sách giáo khoa nên họ chuyển sang sử dụng những nền tảng để xem video như YouTube để phục vụ mục đích học tập của mình. Không chỉ dùng một lượng thời gian đáng kể dành cho việc sử dụng YouTube mỗi ngày – khoảng ba giờ, thậm chí nhiều hơn trong một ngày – 59% Gen Z cho rằng đây là phương pháp học tập mà họ ưa thích hơn. 

Thực tế, video vẫn luôn góp phần quan trọng trong việc giảng dạy Gen Z với 55% người thuộc thế hệ này cho rằng YouTube đã hỗ trợ quá trình học tập và phát triển bản thân của họ trong 12 tháng khảo sát. Không chỉ dừng lại ở việc 80% Gen Z đã có hành vi sử dụng nền tảng này, YouTube đáp ứng nhu cầu của họ trong việc học tập với nội dung phù hợp mong muốn và áp dụng công nghệ. 

Học tập xã hội 

Tính cộng tác cho thế hệ này được thể hiện thông qua việc tương tác, chia sẻ kiến thức, đồng sáng tạo và học hỏi từ mọi người ở cả trực tuyến và trực tiếp. Mạng lưới học tập xã hội của họ có thể bao gồm bạn bè, gia đình hay thậm chí là những người từ khắp nơi trên thế giới.

Học tập xã hội cho phép học sinh có thể học hỏi từ những người khác thông qua quan sát, tham gia giải quyết vấn đề thông qua việc sử dụng nhiều kỹ năng kết hợp và tìm giải pháp tối ưu mà họ không thể làm được nếu chỉ nghĩ một mình. Khi được hỏi họ muốn được học bằng phương pháp nào thì có đến 80% sẽ nói rằng họ muốn được học cùng bạn bè. Có đến 60% cho rằng họ cảm thấy rất vui vì có thể chia sẻ kiến thức của họ trực tuyến với những người khác.

Cá nhân hóa việc học tập 

Mặc dù thế hệ này tham gia nhiều bài kiểm tra chuẩn hóa hơn những thế hệ trước, chủ đề Gen Z muốn học có thể là bất kỳ điều gì. Là một thế hệ đa dạng và có mối liên hệ mật thiết với công nghệ hiện tại, Gen Z đã quen với việc tiếp nhận lượng thông tin khổng lồ và xử lý chúng sao cho phù hợp nhất với họ.  

Khi các hoạt động và hướng dẫn tại lớp học sử dụng nhiều cách thức khác nhau, với sự đa dạng trong các thử thách cũng như cách đánh giá, việc học tập có thể được “đo ni đóng giày” sao cho phù hợp với mong muốn cá nhân của từng học sinh. Quá trình học mang tính thích ứng là một ví dụ điển hình cho sự cá nhân hóa quá trình học tập của học sinh. Cho phép học sinh tham gia vào việc lựa chọn những quyết định học tập và định hướng có thể hỗ trợ trong việc cá nhân hóa trải nghiệm mà không làm cho giáo viên bị quá tải với công việc.

Mô hình học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến

Gen Z có sự chuyển đổi mượt mà giữa tương tác trực tiếp và trực tuyến, bất kể là cách họ hòa nhập cộng đồng hay cách họ tham gia học tập. Mô hình học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến là một sự kết hợp giữa lớp học truyền thống và việc áp dụng phương pháp học tập trực tuyến. Một điều không thể chối cãi khi nói về thế hệ này đó là công nghệ mang một vai trò vô cùng lớn trong việc giảng dạy Gen Z. 

Mô hình học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến cho phép học sinh có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn và quản lý hành trình học tập của họ. Những công cụ học tập của Gen Z như Google Classroom cho phép việc quản lý các bài tập cũng như là nơi diễn ra những trao đổi giữa học sinh và giáo viên. Thêm vào đó, những công cụ bổ trợ việc dạy trực tuyến cũng hỗ trợ tạo nên một môi trường học tập năng động và thoải mái hơn. Có thể lấy Kahoot! làm một ví dụ. Đây là một nền tảng cho phép giáo viên tạo nên những trò chơi cho học sinh một cách dễ dàng, bất kể là trong lớp học truyền thống hay lớp học trực tuyến. 

Xây dựng lớp học thân thiện dành cho Gen Z

Vậy đâu là những thành tố nên có trong việc thiết kế chương trình dạy học cho Gen Z tận dụng được những thói quen và công cụ học tập của thế hệ này? Bên dưới là những khía cạnh có thể hỗ trợ bạn trong việc định hướng cho chương trình giảng dạy cũng như kế hoạch cho việc thiết kế các bài học:

Tiếp cận đa ngành

Nên tạo sự kết nối và khuyến khích việc liên hệ giữa các môn học với nhau, từ các môn STEM (gồm 4 môn học là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đến các môn nghệ thuật và ngôn ngữ. Điều này không chỉ giúp cho Gen Z có nhiều sự kết nối với lớp học mà còn tạo ra cơ hội để họ có thể học theo cách phù hợp nhất với nhu cầu của từng cá nhân. 

Quá trình học có sự tham gia quyết định của học viên

Cho phép học sinh có cơ hội được tham gia vào việc định hướng cho sự phát triển của mình thông qua việc tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn qua cách họ muốn vận dụng tài liệu của lớp học, cách hoàn thành bài tập cũng như cho phép truy cập vào các nguồn lực và nhận những nhận xét, đánh giá. 

Học tập trải nghiệm 

Xây dựng những cơ hội đối với việc học tập lấy cộng đồng làm trung tâm như tìm những giải pháp thiết thực dành cho những vấn đề đang diễn ra ngoài thực tế. Ví dụ như việc tổ chức các hoạt động học tập thực tiễn có thể giúp học sinh tham gia trực tiếp vào một công việc ý nghĩa và mang lại kết quả ngoài đời thực. 

Tích hợp công nghệ 

Đừng thu những chiếc điện thoại thông minh của học sinh ngay trước cửa lớp học nữa. Thay vào đó, hãy tìm cách để công nghệ tham gia vào việc giảng dạy trên lớp. Công nghệ sẽ là một người bạn tốt khi nó hỗ trợ cho thế hệ có mối quan hệ mật thiết với công nghệ này năng nổ hơn trong lớp học dù họ có thời gian tập trung ngắn hơn các thế hệ trước đi chăng nữa. 

Tăng tính trực quan 

Hãy chèn một video liên quan đến bài giảng và cố gắng giữ cho nó ngắn gọn. Bạn có thể tìm những video trên Youtube, tự tạo video của riêng bạn hoặc cùng với học sinh đồng sáng tạo video như là một bài tập hay một phần của hoạt động học tập. 

Một lời nhắn nhủ cuối cùng trong việc dạy các học sinh Gen Z: Họ vẫn cần những nhà giáo dục để dẫn dắt trong lớp học. Khi được hỏi về tầm quan trọng của giáo viên trong quá trình học tập và phát triển của mình, 78% Gen Z sẽ trả lời rằng giáo viên luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng và không thể thiếu. Có 39% Gen Z nói rằng họ thích học được với sự hướng dẫn giáo viên hơn. Ít nhất đây là một điều mà thế hệ này tương đồng với thế hệ đi trước!

Leave a comment