Sinh viên, giáo sư và chuyện “chính trị”

Nguồn: Inside Higher Ed

Đăng ngày: 02/03/2020

Biên dịch: Nguyễn Phương Thảo – Biên tập: Merry Lê

Khi nói về niềm tin chính trị, một số sinh viên cảm thấy áp lực khi phải tiếp nhận các quan điểm trên từ các giáo sư, và trong số đó có rất ít sinh viên thật sự tiếp thu để thay đổi quan điểm của họ.

Các học giả và các nhà lập pháp thỉnh thoảng cáo buộc các giáo sư, những người theo chủ nghĩa tự do, cố gắng rao giảng quan điểm chính trị và áp đặt lên các sinh viên. Mặc dù nghiên cứu chỉ ra rằng quan điểm về việc các giáo sư ủng hộ chủ nghĩa tự do là có, nhưng việc giáo sư cố tình truyền bá tư tưởng chính trị thì không hẳn. Cũng theo nhiều nghiên cứu, niềm tin chính trị của các cán bộ giảng dạy (faculty member) nghiêng về hướng cánh tả. Tuy vậy, trái ngược với những gì Betsy DeVos, Cựu Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ và những người khác đã cáo buộc ở trên, ngay cả những sinh viên có tư tưởng bảo thủ cũng không cảm thấy bị áp lực khi phải suy nghĩ theo một tư tưởng cụ thể nào đó.

Tuy nhiên, dữ liệu sơ bộ từ một nghiên cứu mới mang tên IDEALS (Tạm dịch: Khảo sát chiều dọc về thái độ và trải nghiệm sự đa dạng của liên-niềm-tin) cho thấy động lực để không cảm thấy áp lực có thể thay đổi – nhưng không phải vì những nguyên do mà người ta có thể giả định. Mười phần trăm sinh viên trong nghiên cứu này, đặc biệt là những sinh viên có tư tưởng bảo thủ, cho biết họ cảm thấy áp lực khi phải kết nối suy nghĩ của họ với quan điểm chính trị của giáo sư. Tuy nhiên, các tác giả nói rằng điều này có thể là do môi trường chính trị tổng thể hiện đang quá căng thẳng, chứ không phải vì các giáo sư đang bắt sinh viên phải nghĩ gì.

IDEALS project

Đồng tác giả của nghiên cứu trên, Matthew Mayhew, Giáo sư Quản lý Giáo dục tại Đại học Bang Ohio cho biết: “Hiện có rất nhiều cách khác nhau để gợi ý sinh viên suy nghĩ như thế nào về chính trị, thậm chí cả khi trước đây họ không có ý niệm nào. Nếu tôi là một giáo sư và tôi đang nói về việc chăm sóc sức khỏe, các sinh viên trong lớp học có thể cảm thấy họ đang được ‘ra hiệu’ để tư duy dưới góc độ chính trị, nhưng nếu là 20 năm trước thì chuyện đó hầu như không xảy ra”.

Vậy thì điều này có ý nghĩa gì đối với việc giảng dạy? Mayhew cho rằng các giáo sư không cần thay đổi cách giảng dạy, nhưng họ có thể nói với sinh viên rằng cái cảm giác “không thoải mái” với những ý tưởng mới là một phần của việc học. Và sự “khó chịu” đó không nên bị hiểu nhầm thành áp lực, lo lắng hay tổn thương. Chia sẻ này của Giáo sư Mayhem cũng tương tự với nhiều lời khuyên mà các giảng viên thường chia sẻ với sinh viên trong các cuộc tranh luận về bài phát biểu tại trường.

Mayhew phỏng đoán thêm rằng giáo dục đại học nói chung có thể tự động trở thành một trong những chủ đề chính trị trong vòng 5 năm tới, chứ không đơn thuần chỉ xoay quanh câu chuyện liệu có nên miễn phí hay không. Ông cũng cho rằng đó là một viễn cảnh “đáng sợ”, bởi lẽ giáo dục đại học sẽ không chỉ là một phần trong “chương trình nghị sự” của bất kỳ đảng chính trị nào nữa.

Trong phần nghiên cứu của ông, Giáo sư Mayhew và các đồng nghiệp đã khảo sát 3.486 sinh viên đại học năm cuối từ các cơ sở giáo dục trên khắp Hoa Kỳ về những góc nhìn của sinh viên đối với quan điểm chính trị của các giảng viên. 49% trong số sinh viên nói rằng các giáo sư của họ “thường xuyên” hoặc “luôn luôn” bày tỏ quan điểm chính trị theo chủ nghĩa tự do. Và chỉ có 9% sinh viên phản hồi tương tự khi nhắc đến các giáo sư bảo thủ.

Đối với câu hỏi mang tính truyền bá tư tưởng, 10% sinh viên cho biết họ cảm nhận được áp lực, dù dưới bất kì hình thức nào, khi các giáo sư bắt đầu nói về chính trị. Những sinh viên theo khuynh hướng bảo thủ có nhiều khả năng cảm thấy áp lực hơn những sinh viên được xác định là theo chủ nghĩa tự do.

Ngoài ra, khoảng 47% sinh viên cho biết quan điểm chính trị của họ thay đổi trong thời gian học đại học. Trong số đó, 30% cho biết quan điểm của họ theo hướng “tự do” hơn và 17% còn lại thì theo hướng “bảo thủ: hơn. Tỷ lệ sinh viên theo cánh “tự do” tăng 5% và tỷ lệ sinh viên cho hướng “rất tự do” tăng 4%.

Nếu vậy, những sinh viên cảm thấy áp lực việc tiếp nhận quan điểm chính trị của các giáo sư thì sao? 10% trong số đó cho biết họ “thường xuyên” hoặc “luôn luôn” cảm thấy được áp lực này, và một nửa số này đã thay đổi quan điểm chính trị của họ vào cuối năm cuối cấp. Đáng chú ý, con số này chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ sinh viên thay đổi quan điểm chính trị mà không cảm thấy bất kỳ áp lực nào, hoặc chỉ thỉnh thoảng cảm thấy áp lực từ các giáo sư.

Điều thú vị là dữ liệu của nghiên cứu cũng cho thấy những sinh viên “thường xuyên” hoặc “luôn luôn” cảm thấy áp lực từ các giảng viên theo tư tưởng bảo thủ hơn là những giáo sư theo chủ nghĩa tự do. Và khoảng 30% sinh viên nói rằng họ trở nên “tự do” hơn ở trường đại học, dù họ có cảm thấy áp lực nào từ các giảng viên hay không.

Đồng tác giả nghiên cứu với Giáo sư Mayhem, Alyssa Rockenbach, Cựu Giáo sư chương trình Sau đại học ngành Giáo dục của Đại học bang North Carolina cho biết những phát hiện của nhóm cô “góp phần tăng thêm ‘sắc thái’ và theo một cách nào đó thách thức quan điểm rằng các trường đại học là môi trường độc nhất cho tư tưởng chính trị khuynh hướng ‘tự do’”.  Điều này có nghĩa là dữ liệu mà gợi ý cho ta về những thay đổi có thể xảy ra trong cảm nhận của sinh viên cũng phần nào nhấn mạnh một điều mà chúng ta đã hiểu: các trường cao đẳng và đại học phải là những nhà máy truyền bá tư tưởng chính trị.

Giáo sư Rockenbach cũng cho biết, trong khi sinh viên nói chung có xu hướng tiếp nhận quan điểm chính trị theo khuynh hướng “tự do” hơn là các quan điểm chính trị theo khuynh hướng “bảo thủ”, nhưng chỉ có 10% sinh viên cảm thấy bị áp lực về mặt đó.

Cô nói thêm, mặc dù những sinh viên theo khuynh hướng bảo thủ cảm thấy áp lực hơn một chút so với những sinh viên theo chủ nghĩa tự do, nhưng “không thấy bằng chứng nào cho thấy cảm giác bị áp lực thực sự dẫn đến những thay đổi đáng kể đối với khuynh hướng chính trị của những sinh viên này”. Và khi áp lực từ các giảng viên “có vẻ có tác động, nó thực sự khuyến khích những thay đổi bảo thủ nhẹ trong sinh viên”.

Một phần quan trọng của nghiên cứu là áp lực nhận được từ các giảng viên phụ thuộc vào chuyên ngành học thuật. Theo quan điểm của Giáo sư Mayhew về chăm sóc sức khỏe – nơi các chủ đề như bảo hiểm toàn cầu và phá thai có thể được đưa ra – những sinh viên theo khuynh hướng bảo thủ trong ngành điều dưỡng, y học, dược và trị liệu có nhiều khả năng nói rằng họ cảm thấy áp lực. Điều đó cũng đúng với những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật, nhân văn và tôn giáo cũng như những người học chuyên ngành kép.

Trong khi đó, sinh viên theo chủ nghĩa tự do mà chọn chuyên ngành khoa học xã hội, giáo dục hoặc kinh doanh có nhiều khả năng cảm thấy áp lực hơn. Đặc biệt, lĩnh vực kinh doanh được biết đến là nơi có nhiều giáo sư theo khuynh hướng chính trị “bảo thủ” nhiều hơn hơn so với giới hàn lâm.

Đối với môi trường chính trị hiện tại, Giáo sư Rockenbach nói rằng nó “có thể” đóng một vai trò trong nhận thức của học sinh về áp lực vì các cuộc trò chuyện chính trị trong lớp bây giờ “đã nổi bật hơn nhiều”.

Vì vậy, có lẽ các lớp học cũng giống như nhiều không gian công cộng hoặc bán công cộng khác. Nếu đúng như vậy, dữ liệu của hai Giáo sư Rockenbach và Mayhew phần nào mang lại chút hy vọng. Khi được hỏi liệu sinh viên có bất đồng đáng kể về các vấn đề chính trị với bạn bè thời đại học hay không thì 65% số đó nói không. 29% cho biết họ có bất đồng chính trị, nhưng không ảnh hưởng đến tình bạn. Và chỉ 6% cho biết họ có những bất đồng chính trị đáng kể với bạn bè và ảnh hưởng đến mối quan hệ. Nghiên cứu có ba thời điểm đăng ký, từ năm 2015 đến năm 2019, khi người tham gia nghiên cứu là học sinh cuối cấp. Vì vậy, những cuộc tranh luận “ngang hàng” này đã xảy ra trước và sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi năm 2016.

Trở lại lớp học, Giáo sư Rockenbach nói rằng các cuộc thảo luận chính trị, nếu xảy ra thường xuyên hơn sẽ khiến cho sinh viên cảm thấy áp lực từ một số giáo sư nhất định, “đặc biệt nếu quan điểm riêng của sinh viên trái ngược với giảng viên”. Vì vậy, những cuộc trò chuyện như vậy có lẽ là không nên chăng? Câu trả lời của Giáo sư Rockenbach như sau: “Tôi không nghĩ vậy. Những cuộc trao đổi này có tiềm năng mạnh mẽ để nâng cao việc học tập của sinh viên, giúp họ trau dồi niềm tin và giá trị của riêng mình, đồng thời trao quyền cho họ tham gia chính trị”.

Đồng thời, giáo sư Rockenbach cảnh báo rằng “điều quan trọng đối với giảng viên là tạo ra không gian lớp học khuyến khích tính xác thực và đối thoại tôn trọng”. Cô cũng nói thêm, khi và nếu các giáo sư quyết định chia sẻ quan điểm của riêng họ, thì “điều quan trọng là họ phải khuyến khích sinh viên tự do thể hiện sự không đồng ý và đưa ra các quan điểm khác”.

Những phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được công bố lần đầu tiên dưới dạng một bài bình luận trên tờ The Washington Post. Giáo sư Rockenbach và Mayhew dẫn đầu cuộc nghiên cứu với nhóm Youth Core. Dữ liệu được rút ra từ Khảo sát theo chiều dọc về thái độ và kinh nghiệm đa dạng liên niềm tin của họ, cũng chứa đựng những hiểu biết sâu sắc về nhận thức của sinh viên về các vấn đề LGBT, tâm linh và tôn giáo, nhưng những số liệu đó vẫn chưa sẵn sàng cho thời điểm quan trọng.

Amy Binder là Giáo sư Xã hội Học tại Đại học California, San Diego, đồng tác giả một cuốn sách về kinh nghiệm chính trị của sinh viên đại học vào năm 2012 (Tạm dịch: Nghiêng về cánh hữu: Các trường học định hình những người trẻ theo tư tưởng chính trị “bảo thủ” như thế nào). Về nghiên cứu mới, Giáo sư Binder cho biết chi tiết về loại áp lực mà sinh viên là cái đáng lưu ý. “Họ có cảm thấy áp lực khi phải viết bài kiểm tra theo một cách cụ thể để đạt điểm cao không? Lên tiếng trong lớp học chỉ phản chiếu tư tưởng chính trị của giáo sư thì như thế nào? Trở thành người theo chủ nghĩa tự do hay bảo thủ chỉ vì họ theo học một chuyên ngành cụ thể? Tham dự hay không tham dự các cuộc biểu tình hay biểu tình?”.

Binder lưu ý thêm rằng việc “gây ảnh hưởng” lên một cá nhân thì khác nhiều so với việc gây áp lực để buộc ai đó phải thay đổi quan điểm của họ. Cô đoán rằng các con số có thể đang đóng vai trò quan trọng, ít nhất là khi phát hiện ra rằng các giáo sư theo khuynh hướng bảo thủ ảnh hưởng đến sinh viên của họ nhiều hơn. Có lẽ nếu có nhiều sinh viên theo chủ nghĩa tự do tham gia các khóa học kinh doanh hơn số sinh viên bảo thủ tham gia các khóa học nhân văn trong số người tham gia nghiên cứu, cô tự hỏi liệu có thể thấy một mô hình mà trong đó các giảng viên bảo thủ có sức thuyết phục hơn về mặt số lượng.

Mayhew nói rằng nhiều sinh viên tự nhận định bản thân chủ nghĩa tự do hơn là theo chủ nghĩa bảo thủ và nhiều sinh viên đánh giá cao các hệ tư tưởng tự do về mặt chính trị ở mức độ cao hơn các hệ tư tưởng bảo thủ trong ba thời điểm. Nhưng ông cho rằng quan điểm về các giáo sư bảo thủ có thể liên quan nhiều hơn đến kỳ vọng của sinh viên. Ông nói, đại học được coi là nơi tư tưởng chính trị bị “tự do hóa”, vì vậy sinh viên “có thể ngạc nhiên và cảm thấy bị ngợp bởi sự thể hiện đơn thuần theo hệ tư tưởng bảo thủ của các giáo sư”. Và khi nhắc lại quan điểm của mình về sự khó chịu trên, ông nói rằng cảm giác đó thường nảy sinh “khi kỳ vọng không phù hợp với trải nghiệm”.

Leave a comment