Lý do đằng sau chất lượng trường học tuyệt vời ở Việt Nam

Nguồn: The Economist – Công bố ngày 29/06/2023

Biên dịch: Hồng Nhung – Biên tập: Merry Le 

Lãnh tụ của Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rõ ràng về đường lối phát triển đất nước: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nhưng bất chấp sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt suốt những năm qua, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 3,760 đô la Mỹ – thấp hơn so với các nước láng giềng trong khu vực như Malaysia và Thái Lan và chỉ vừa đủ để một người Việt bình thường cảm thấy được đáp ứng các nhu cầu chăm sóc cơ bản. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đã sử dụng câu tục ngữ từ Trung Quốc này để ca ngợi lợi ích của giáo dục; trên mặt trận này, người Việt không có nhiều lý do để phàn nàn.  

Nguồn ảnh:  Alamy

Trẻ em Việt Nam đang tận hưởng một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới – minh chứng qua thành tích xuất sắc trong các bài thi đánh giá quốc tế về đọc hiểu, toán học và khoa học. Dữ liệu mới nhất từ World Bank cho thấy, dựa trên tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội hơn các bạn ở Malaysia và Thái Lan mà còn hơn cả học sinh ở Anh và Canada – những quốc gia giàu có hơn gấp 6 lần. Ngay cả trong chính Việt Nam, điểm số của các em cũng không thể hiện mức độ bất bình đẳng giữa 2 giới và giữa các vùng, điều vốn rất thường thấy ở các nơi khác. 

Khả năng học hỏi của một đứa trẻ là kết quả của vô số yếu tố – nhiều trong đó bắt đầu ngay từ gia đình với phụ huynh và môi trường mà chúng lớn lên. Nhưng lý do ấy cũng không đủ để giải thích thành tích xuất sắc của Việt Nam. Bí mật của sự khác biệt nằm ở lớp học: trẻ em Việt Nam học nhiều hơn tại trường, đặc biệt trong những năm đầu. 

Trong một nghiên cứu năm 2020, Abhijeet Singh từ Trường Kinh tế Stockholm đã đo lường hiệu quả ở các trường tại Việt Nam bằng cách xem xét số liệu từ những bài kiểm tra giống nhau được thực hiện bởi học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam. Ông chỉ ra rằng trong giai đoạn 5-8 tuổi, trẻ em Việt Nam phát triển nhanh chóng. Mỗi một năm học tại Việt Nam, khả năng giải quyết một bài toán nhân đơn giản ở 1 đứa trẻ tăng thêm 21%. Con số này ở Ấn Độ là 6%.

Trường học tại Việt Nam đang cải thiện theo thời gian. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 bởi Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Centre for Global Development – CGD) – một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington DC cho thấy 56 trên tổng 87 nước đang phát triển có chất lượng giáo dục suy giảm đáng kể từ những năm 1960 (xem biểu đồ). Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có trường học phá vỡ xu hướng này.

Lý do lớn nhất xuất phát từ chất lượng giáo viên: họ không nhất thiết phải có trình độ chuyên môn cao hơn mà chỉ đơn thuần là giảng dạy hiệu quả hơn. Một nghiên cứu so sánh học sinh tại Ấn Độ và Việt Nam cho thấy phần lớn sự khác biệt trong điểm số các bài kiểm tra toán học là do chênh lệch về chất lượng giảng dạy.

Giáo viên làm được điều đó vì họ được quản lý tốt. Người dạy được đào tạo thường xuyên và tự do làm lớp học lôi cuốn hơn. Khi giải quyết vấn đề bất bình đẳng vùng miền, những người được phân công về các khu vực vùng sâu vùng xa được trả lương cao hơn. Một tiêu chí đánh giá giáo viên quan trọng nhất là dựa trên thành tích của học sinh. Những giáo viên có học sinh học tốt sẽ được vinh danh “nhà giáo ưu tú”. 

Ngoài những phần thưởng, nguy cơ vi phạm quy định cũng là một rắc rối lớn. Đảng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục – và điều này lan tỏa xuống các cấp trường học, nơi nhiều hiệu trưởng cũng đồng thời là Đảng viên. 

Sự quan tâm này cũng có nhiều tác động hữu ích. Mỗi tỉnh thành được yêu cầu phải dành 20% ngân sách cho giáo dục – điều đã thúc đẩy sự công bằng giữa các vùng miền. Việc Đảng quan tâm sát sao và liên tục cũng đảm bảo rằng các chính sách được điều chỉnh để phù hợp với chương trình học cập nhật và tiêu chuẩn giảng dạy. Xã hội nhìn chung cũng chia sẻ mối quan tâm này. Cam kết của các gia đình tại Việt Nam xuất phát từ ảnh hưởng sâu rộng của Nho giáo, theo quan điểm của ông Ngô Quang Vinh – một chuyên viên mảng xã hội tại Ngân hàng Phát triển châu Á. Ông cho rằng ngay cả những bậc cha mẹ không khá giả cũng bỏ tiền ra cho các lớp học tư. Tại thành phố, nhiều người tìm kiếm những trường học có giáo viên đạt danh hiệu nhà giáo ưu tú. 

Tất cả những điều này đã mang về những phần thưởng lớn. Khi trường học được cải thiện, kinh tế Việt Nam cũng phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển ấy đang thử thách hệ thống giáo dục, theo quan điểm của Phùng Đức Tùng – Giám đốc Viện Nghiên Cứu Phát triển Mekong tại Hà Nội. Các doanh nghiệp ngày càng cần lao động có kỹ năng phức tạp hơn như quản lý đội nhóm, thứ mà học sinh Việt Nam không được rèn luyện. Sự tăng trưởng cũng thu hút lượng lớn người di cư đến thành phố khiến trường học ở các đô thị trở trên quá tải. Ngày càng nhiều giáo viên từ bỏ ngành giáo dục để chuyển sang công việc có lương cao hơn trong khu vực tư nhân. Để đảm bảo Việt Nam tiếp tục dẫn đầu, chính phủ sẽ phải đối mặt với những xu hướng này. Như Hồ Chí Minh thường nhắc nhở, việc trồng cây đòi hỏi sự chăm sóc không ngừng nghỉ.

Leave a comment