Giảng dạy triết học và giảng dạy để suy ngẫm triết học – Phần 1

Nguồn: Philosophy Now, năm đăng tải: 2007

Tác giả: Pablo Cevallos Estarellas

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Phan Trà Khúc

Pablo Cevallos Estarellas đánh giá những sự phát triển đã khiến triết học đích thực đánh bại triết học nghiệp dư trong giáo dục, và đề xuất một hướng đi mới.

Nếu thực hành triết học được hiểu là đặt ra những câu hỏi chuyên về các vấn đề trọng yếu của con người rồi vật vã vật lộn với chúng, thì hầu hết mọi người, về nguyên tắc, đều có thể học được cách suy ngẫm triết học (philosophize). Điều này có nghĩa là không giống như hầu hết các bộ môn học thuật khác, triết học có hai kiểu biểu thị là: Thực hành triết học chuyên nghiệp, tức tham chiếu các công trình lịch sử triết học trong quá trình tìm kiếm; và thực hành triết học nghiệp dư, không tham chiếu các công trình triết học trước đó. Trong bài viết này, tôi sẽ phân biệt hai kiểu biểu thị triết học kể trên cũng như khám phá các ứng dụng trong giáo dục của chúng.

Hai biểu thị của thực hành triết học

Chúng ta cần bắt đầu với một định nghĩa về triết học. Điều này quả là thách đố khi mà khái niệm về triết học cũng nhiều như số lượng triết gia! Tuy nhiên, nhiều triết gia lại chia sẻ cùng một quan niệm về triết học, ngay cả khi chẳng ai lên tiếng xác nhận điều này: họ (ND-các triết gia) nhận thức về triết học như một hoạt động hoặc một quá trình hơn là một sự tích lũy nội dung hoặc sản phẩm nào đó. Khái niệm về triết học này mang ít nhất hai thuộc tính. Thứ nhất, là triết học được định nghĩa chủ yếu dựa trên các thuật ngữ về quy trình (procedural terms). Chúng định danh triết học gắn với hoạt động suy ngẫm triết học (việc mà các triết gia làm, tức phương pháp luận) hơn là gắn với kết quả (những gì các triết gia đã hoàn thành, tức kết quả). Thứ hai, khái niệm kể trên mô tả phương pháp luận triết học là sự kết hợp của hai thành tố cơ bản là: (a) một loại tư duy cụ thể (phản ánh, phê phán, sáng tạo, nỗ lực để thông hiểu, v.v.) và (b) một loại vấn đề hoặc câu hỏi cụ thể (những nền tảng hoặc khái niệm vốn không thể giải quyết bằng quan sát hoặc tính toán đơn thuần).

Nếu định nghĩa triết học mang tính “quy trình” này được chấp nhận, thì nhìn chung, ai cũng có thể thực hành triết học mà không cần nghiên cứu bài bản. Điều này khiến triết học khác biệt với các ngành học khác. Các ngành này đòi hỏi người học cần có kiến ​​thức nền tảng, đồng thời, luôn cập nhật kiến thức mới trong ngành. Ví dụ, rất khó để hình dung một ai học xã hội học mà không biết gì về các công trình của Max Weber hay C. Wright Mills, hoặc một ai đó làm công tác liên quan đến sinh học mà bỏ qua thuyết tiến hóa của Darwin bằng phương pháp chọn lọc tự nhiên hay hệ quả về trạng thái cân bằng ngắt quãng (punctuated equilibrium) của Stephen J. Gould. Ngược lại, triết học có thể được thực hành/ ứng dụng mà không cần nền tảng kiến ​​thức học thuật đằng sau. 

Triết học “chuyên nghiệp”

Triết học thực sự có thể học được mà không cần kiến thức học thuật, nhưng có thể (can) không có nghĩa là chắc chắn (must).Có một ghi chép khái quát về cách mà các triết gia trước đây giải quyết các câu hỏi triết học, và các thế hệ triết gia tiếp theo nhận xét về câu trả lời của họ như thế nào. Nhận thức được truyền thống phong phú đó mang một giá trị trí tuệ nội hàm (intrinsic intellectual value), như nhà triết học người Anh Nigel Warburton đã nhận xét, “không có kiến ​​thức lịch sử thì các nhà triết học sẽ không bao giờ tiến bộ: họ sẽ tiếp tục mắc những sai lầm mà không nhận thức được rằng những sai lầm này đã từng bị mắc phải trước đó” (Philosophy: The Basics). Vì vậy, trong lĩnh vực học thuật, suy ngẫm triết học không chỉ là vật lộn với những câu hỏi có tính triết học mà còn là tranh luận với câu trả lời cho các vấn đề triết học từ các triết gia khác trước đó. Theo quan điểm hẹp này, một triết gia (phương Tây) là một cá nhân tiếp tục các quan niệm do các nhà triết học Hy Lạp cổ đại khởi xướng. Vì các trường đại học gần như là những đơn vị duy nhất trả tiền cho mọi người suy ngẫm triết học nên nó cũng kéo theo việc một triết gia chuyên nghiệp gần như được mặc định là một giáo viên dạy triết học.

Triết học nghiệp dư

Trong khi mô hình triết học chuyên nghiệp có những giá trị không thể phủ nhận thì một thực tế là chúng ta không nhất thiết phải biết hết kho tàng tác phẩm triết học đồ sộ (chứ đừng nói là thành thạo) để có thể suy ngẫm triết học (philosophize). Những người không quen với các truyền thống triết học này đương nhiên vẫn sẽ thấy vật vã với các vấn đề liên quan. Điều này khả dĩ bởi những vấn đề này bắt nguồn từ những trải nghiệm hằng ngày của họ. Như Thomas Nagel chỉ ra, “chất liệu triết học thô sơ đến từ chính thế giới này và mối quan hệ của chúng ta với nó chứ không phải đến từ các tác phẩm trong quá khứ” (What Does It All Mean?). Theo ông, điều này giải thích tại sao các vấn đề triết học lại “xuất hiện một lần nữa, trong đầu những người chưa đọc về chúng”. (Nhân tiện, tôi sử dụng tính từ ‘nghiệp dư’ chỉ đơn giản là từ trái nghĩa của chuyên nghiệp, tức là, từ này được dùng để mô tả hoạt động suy ngẫm được thực hiện bởi những cá nhân mà không nhất thiết phải dựa trên tác phẩm triết học nào).

Nguồn ảnh: Ben Nadler / Princeton University Press

Thực hành triết học chuyên nghiệp (hàn lâm) đã trở nên chiếm ưu thế và cho đến nay, nó vẫn là lĩnh vực uy tín. Theo Kwame Anthony Appiah, điều này có thể là do từ cuối thời Trung Cổ, triết học chuyên nghiệp đã độc chiếm (monopolized) các trường đại học và các trung tâm học thuật khác, nơi mà nó (ND: triết học chuyên nghiệp) cuối cùng đã đạt được “địa vị cao nhất của chủ nghĩa nhân văn phương Tây” theo Kwame Anthony Appiah (trích “Trong Ngôi nhà của Cha tôi”In my father’s house). Trong thế giới đương đại, triết học chuyên nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, ít nhất là trong khuôn viên của các trường đại học. Trong bài báo có tiêu đề “Triết học là gì?”, Barry Stroud lập luận rằng điều này tốt là vì nó bảo vệ sự tồn tại của triết học như một hoạt động tự do tương đối, bằng cách tách các triết gia ra khỏi sự kiểm soát của xã hội và chính phủ. Nhưng đồng thời điều này cũng gây hại cho triết học, bởi nó càng được chuyên nghiệp hóa thì nó lại càng trở nên chuyên biệt khiến các triết gia nghiệp dư khó mà tiếp cận được. 

Sự chuyên nghiệp hóa ngày càng cao của triết học đã gây ra ít nhất hai hậu quả đáng tiếc. Thứ nhất, là khi triết học phát triển tách biệt với xã hội thì mối quan tâm của các triết gia (và các ấn phẩm của họ) ngày càng trở nên trừu tượng và ít được áp dụng vào các vấn đề thực tế của đại chúng và xã hội thông thường. Thứ hai, là khi xã hội tách rời triết học thì nó trở nên ít triết lý hơn, thúc đẩy một thái độ mà Martha Nussbaum gọi là ‘chống đối triết học’ (philosophical recalcitrance). Thái độ này ủng hộ những câu trả lời đơn giản cho các vấn đề thực tế của cuộc sống.

Một phương thuốc giải độc để đẩy lùi hình dung của đại chúng về triết học như một hoạt động chuyên biệt và chỉ dành cho nhóm tinh hoa (và kết quả là triết học bị cô lập) là việc thúc đẩy thực hành triết học nghiệp dư. Tuy nhiên, nghịch lý thay, hệ quả thống trị của triết học chuyên nghiệp là sự sụt giảm và suy yếu của quan điểm nghiệp dư, vốn luôn được xác nhận dựa trên giả định phi tinh hoa rằng mọi người đều có thể học cách suy ngẫm triết học. Giả định này nhận về nhiều sự phản đối của nhóm hàn lâm. Đặc biệt trong thời kỳ hoàng kim của việc hàn lâm hóa triết học (trong thế giới nói tiếng Anh, trùng với sự thống trị của phong trào phân tích trong những năm 1950 và 1960), một số triết gia đã công khai loại trừ khả năng mà những người bình thường (đại chúng) có thể thực hành triết học – một kết luận tương đồng với kết luận hợm hĩnh của Plato rằng chỉ một thiểu số nhỏ những người có trí tuệ cao mới có thể suy ngẫm triết học.

Tuy nhiên, luôn tồn tại những bất đồng giữa các triết gia hàn lâm, những người chất vấn và chỉ trích gay gắt cái gọi là truyền thống ‘tinh hoa’. Ví dụ, Arthur Schopenhauer đã công khai chế nhạo các ‘triết gia sách vở’, những người dành phần lớn thời gian của họ cho việc nghiên cứu những gì các triết gia khác tuyên bố thay vì tự mình suy nghĩ. Sau đó, John Dewey tranh luận rằng triết học đã đắm chìm trong si mê tìm kiếm sự chắc chắn, và vì thế, ông đề xuất xây dựng lại nó (ND – Triết học). Trong tác phẩm kinh điển Nền Dân chủ và Giáo dục (Democracy and Education), ông nói rằng mặc dù các vấn đề triết học nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày nhưng hầu hết mọi người không cho rằng chúng chính là triết học bởi các triết gia đã phát triển một bộ từ vựng chuyên biệt mà chỉ những người nghiên cứu triết học mới thực sự hiểu được. Bryan Magee, một nhà truyền bá triết học nổi tiếng cũng chỉ trích rằng: “Quan điểm cho rằng chỉ những người đã học triết học ở một trường đại học mới có thể suy ngẫm triết học cũng tương tự với quan niệm rằng, chỉ những người học nghiên cứu văn học mới có thể đọc được tiểu thuyết kinh điển” (Lời thú nhận của một nhà triết học – Confessions of a Philosopher). Điểm chung của các phê bình dành cho nhóm thực hành triết học chuyên nghiệp (và tinh hoa) là họ có niềm tin rằng, nếu có cơ hội thì những cá nhân dù không có chuyên môn cũng sẽ có đủ khả năng để suy ngẫm triết học. Điều này đưa chúng ta đến ngay với chủ đề tiếp theo là những tác động giáo dục của triết học.

Leave a comment